Ô nhiễm môi trường nông thôn: Vấn đề không của riêng ai

09:04, 09/12/2014

Rác thải tràn lan, trang trại chăn nuôi bốc mùi hôi thối, xả chất thải, nước thải ra môi trường, lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu… là thực trạng đang diễn ra tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay.

 Hơn 2 năm nay, một số người dân xóm Nà Họ, Hùng Lập, xã Thanh Định (Định Hoá) không thể nuôi cá, cấy lúa vì ao, ruộng bị ô nhiễm nước thải chảy ra từ hầm biogas của những hộ dân xóm Hùng Lập. Theo phản ánh của bà con xóm Nà Họ, xóm Hùng Lập có trên chục hộ chăn nuôi lợn, có hộ nuôi đến 40 con lợn/lứa. Lượng nước tắm, rửa cho lợn và chuồng trại thải ra hằng ngày khá lớn trong khi hầu hết hầm biogas của các hộ này có dung tích nhỏ. Điều này dẫn đến chất thải chưa kịp phân hủy tràn từ hầm biogas ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Ông Triệu Văn Anh, Trưởng xóm Nà Họ cho biết: Nước thải từ các hộ chăn nuôi ở xóm Hùng Lập khiến 1 ao với diện tích mặt nước khoảng 1 mẫu của gia đình tôi bị ô nhiễm. Trước kia, khi không có nước thải chảy về, mỗi năm gia đình tôi vẫn cấy 1 vụ lúa,  1 vụ  thả cá, thu được khoảng 1 tấn thóc, 4-5 triệu đồng tiền bán cá.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở xóm Nà Họ, Hùng Lập mà khá nhiều các địa phương trên địa bàn tỉnh phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có gần 70 nghìn con trâu, bò; trên 550 nghìn con lợn; khoảng 10 triệu con gia cầm… được chăn nuôi tại hàng trăm nghìn hộ gia đình. Trong đó có 525 hộ đuợc công nhận là phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế trang trại với số lượng nuôi từ vài trăm đến 1 nghìn con lợn hoặc vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn con gia cầm/lứa. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì phần lớn các hộ gia đình chăn nuôi đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khâu xử lý chất thải, nước thải chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Hiện, toàn tỉnh mới có khoảng 5 nghìn hộ xây dựng công trình khí sinh học biogas, số còn lại đều thải trực tiếp ra môi trường. Các trang trại chăn nuôi đã có đầy đủ hệ thống xử lý biogas nhưng do phương thức vệ sinh chuồng trại chưa hợp lý khiến nhiều công trình bị quá tải, nước thải chảy ra từ hầm biogas vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

 

Bên cạnh ô nhiễm do trang trại chăn nuôi, tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hiện nay cũng đáng báo động. Theo số liệu tính toán của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường), 1 người dân ở nông thôn mỗi ngày thải trung bình 0,7kg rác sinh hoạt. Như vậy, với số dân gần 1 triệu người (trừ khu vực thành thị), trung bình mỗi ngày, người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh thải khoảng 700 tấn rác. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác tại các huyện mới đạt khoảng 35%, số còn lại người dân tự xử lý bằng cách đổ ra vườn để đốt hoặc vứt bừa bãi ra cạnh đường giao thông, sông suối, ao hồ. Thực tế trên các tuyến đường nông thôn hiện nay có rất nhiều đống rác tự phát gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Trong đó, đáng ngại nhất là các loại túi nilon, vỏ bao bì thuốc diệt cỏ, chai lọ đựng thuốc trừ sâu… Các loại rác này khó phân huỷ, mỗi khi gió to lại bay khắp nơi. Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức (Phổ Yên) cho biết: Vì chưa có đội thu gom rác, ý thức người dân kém, nên một số người dân trên địa bàn xã vẫn vứt rác thải bừa bãi.

 

Ngoài ra, phải kể đến tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề. Toàn tỉnh hiện có trên 130 làng nghề sản xuất, kinh doanh các ngành nghề chủ yếu: chè, mây tre đan, vật liệu xây dựng, làm bánh, bún, mỳ, miến. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các làng nghề sản xuất miến, mỳ, bánh chưng, đậu phụ thường xả nước thải chưa qua xử lý; các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng gây ra khói bụi; làng nghề sản xuất, chế biến đồ mộc, mỹ nghệ gây ra tiếng ồn…

 

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc người dân lạm dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản nông sản trong trồng trọt. Với việc sử dụng thường xuyên các hoá chất không những sức khoả người dân bị ảnh hưởng trực tiếp mà đất đai còn bị thoái hoá, bạc màu, không khí, nguồn nước bị nhiễm bẩn…

 

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các trang trại gây ô nhiễm; khuyến khích các đơn vị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý… Nhiều địa phương đã xây dựng điểm thu gom rác, thành lập đội tự quản bảo vệ môi trường… để đạt quy định trong tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tỉnh đã triển khai quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải tại trang trại; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý…

 

Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Để môi trường trong sạch không chỉ các ngành chức năng mà toàn xã hội cần thực sự vào cuộc. Trong đó, mỗi người dân nên nâng cao ý thức, tích cực bảo vệ môi trường của chính mình.