Phân loại rác thải tại nguồn: Trông chờ vào ý thức của người dân

09:11, 18/12/2014

Mỗi ngày, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 28 phường, xã của T.P Thái Nguyên xả thải khoảng 170 tấn rác sinh hoạt nhưng Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên thu gom, xử lý được khoảng 150 tấn. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại T.P Thái Nguyên hiện nay vẫn theo phương thức chôn lấp thủ công tại bãi Đá Mài (xã Tân Cương) nên tốn kém chi phí đầu tư xây dựng, mở rộng bãi rác; ô nhiễm môi trường và chưa tận thu được một số loại rác có giá trị vào mục đích hữu ích.

Để từng bước triệt để hoá việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, T.P Thái Nguyên đã đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực triển khai thực hiện Đề án phân loại rác thải tại nguồn với một số mục tiêu như: tận thu những vật liệu nhựa, kim loại, giấy vụn có trong rác thải để tái chế sử dụng; tận dụng lượng rác hữu cơ phục vụ chế biến phân vi sinh; giảm thiểu lượng rác còn phải chôn lấp nhằm tiết kiệm mặt bằng làm bãi rác. Đề án phân loại rác thải tại nguồn có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với tác quản lý đô thị nên từ đầu quý IV-2014, UBND T.P Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng chức năng, 28 phường, xã triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở, tuyên truyền và ký cam kết với từng hộ dân (T.P Thái Nguyên đã phát hành chục nghìn tờ rơi có nội dung tuyên truyền về phân loại rác); Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cũng đã chuẩn bị con người, phương tiện sẵn sàng thực hiện Đề án.

 

Theo lộ trình từ ngày 1-12-2014, trên địa bàn T.P Thái Nguyên sẽ đồng loạt thực hiện phân loại rác thải đầu nguồn tại 27/28 phường, xã (trừ xã Phúc Hà vì chưa hoàn thành việc chuyển giao đội vệ sinh môi trường về cho Công ty cổ phần Môi trường và công trình Đô thị Thái Nguyên quản lý). Nguyên tắc cơ bản trong quy trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn T.P Thái Nguyên chủ động nguồn túi nilon (màu xanh và đỏ theo hướng dẫn) rồi chia rác thành 2 túi: đốt được và không đốt. Sau đó, người dân mới bỏ rác ra ngoài để công nhân môi trường thu gom. Việc làm này không quá khó, song do ý thức người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên chưa cao; việc kiểm tra, giám sát từ cấp thành phố đến đội ngũ cán bộ xóm, tổ dân phố thiếu quyết liệt dẫn tới việc phân loại rác thải tại nguồn sau nửa tháng triển khai vẫn chưa có kết quả.

 

Bà Đào Thị Hoàng Loan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cho biết: Ngay từ ngày 1-12, ngoài xe đẩy thu gom rác, chúng tôi đã yêu cầu công nhân chuẩn bị thêm bao tải dứa để thu gom những loại rác không đốt được. Đã qua nửa tháng nhưng mới có lác đác vài hộ dân chấp hành việc phân loại rác sinh hoạt theo yêu cầu của T.P Thái Nguyên.

 

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, sau khi phân loại, 4% rác thải rắn ở T.P Thái Nguyên được tận dụng để tái chế; 10% rác thải là đất, đá, vật liệu thừa sẽ chôn lấp ngay tại bãi rác Đá Mài. Phần rác thải còn lại đưa vào đốt ở nhiệt độ cao khi Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên hoàn thành Nhà máy xử lý rác thải Đá Mài bằng công nghệ đốt. Phân loại rác thải sinh hoạt thành công sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế khoảng 10 tỷ đồng/năm cho xã hội từ nguồn rác tái chế và tiết kiệm được khoảng 6 tỷ đồng/năm cho T.P Thái Nguyên khi phải đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng mở rộng bãi rác. Trong khi đó, người dân chỉ phải bỏ ra khoản chi phí từ 200 đồng/ngày mua túi nilon để phân loại rác ngay tại nguồn thải.