Mỗi năm, ở nước ta có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Cùng với đó, thuốc lá còn là tác nhân trực tiếp gây tổn hại sức khỏe người người cao tuổi dẫn đến tình trạng người cao tuổi, thường xuyên phải điều trị tại các cơ sở y tế do mắc phải nhiều bệnh liên quan như: hô hấp, tim mạch, đột quỵ...
Ông Phạm Văn Dũng, 63 tuổi, ở xóm Quẫn, xã Tân Đức (Phú Bình) hút thuốc lá từ những năm 80 (của thế kỷ trước). Sau nhiều năm hút thuốc, sức khỏe ông Dũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông thường xuyên bị viêm phổi, phế quản… Đỉnh điểm là năm 2009, ông Dũng bị lao phổi phải điều trị hơn 2 tuần tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Sau đợt điều trị, thấy sức khỏe không đảm bảo, ông Dũng cai nghiện thuốc lá, và sau đó sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt. Mặc dù vậy, chủ quan với sức khỏe, năm 2013, ông Dũng đã hút thuốc trở lại. Chỉ sau một năm tái nghiện thuốc lá, ông sút đến 7kg và đến tháng 5-2014, bệnh lao phổi tái phát khiến ông phải nhập viện điều trị. Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết: Nếu không hút thuốc lá chắc giờ này tôi không phải nằm viện. Từ sau đợt ốm vừa rồi, tôi từ bỏ hoàn toàn thuốc lá.
Tương tự như ông Dũng, ông Hoàng Văn Thưởng, xóm Lau Sau, xã La Bằng (Đại Từ) đã từng có trên 20 năm hút thuốc lá. Mặc dù ông Thưởng đã bỏ được hơn 10 năm nay, nhưng thuốc lá vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của ông. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - hậu quả do những năm hút thuốc lá thường xuyên tái phát khiến hàng năm ông đều phải nhập viện điều trị. Ông cho biết: Tôi thấy rất tiếc bởi chỉ vì thuốc lá mà tôi sống tuổi già không khỏe. Bệnh tật do thuốc lá không chỉ khiến tôi mệt mỏi và còn ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt của các con, cháu.
Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh phế quản, phổi do thuốc lá gây ra nhưng rất nhiều người cao tuổi mắc các bệnh này đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đều có quãng thời gian dài hút thuốc khi còn trẻ. Bác sĩ Trần Văn Cam, Phó Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: Theo thống kê ở nước ta có 47% đàn ông hút thuốc lá. Đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng đàn ông nhập viện điều trị các bệnh về phế quản, phổi ở tỷ lệ cao hơn nữ giới.
Theo thống kê của ngành Y tế, thuốc lá hiện là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới nước ta, với gần 11% tổng số ca. Nước ta hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, khoảng 15 triệu người hút thuốc. Trung bình hai nam giới ở tuổi trưởng thành thì có một người hút thuốc; 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc...
Ông Hoàng Văn Lâm, Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: Những nghiên cứu đã chỉ ra, khói thuốc chứa hơn 4 nghìn loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện, đặc biệt là nicotine. Khi hít vào phổi thì khói thuốc làm giảm hệ thống miễn dịch và gây viêm đường hô hấp. Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc là và cả người hít khói thuốc lá thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới... Cá biệt, theo số liệu điều tra tại Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96%. Từ những nguyên nhân trên đã làm cho tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính, cấp tính liên quan đến thuốc lá như: tim mạch, hô hấp, đột quỵ... luôn ở mức cao. Theo ông Lâm, phòng chống tác hại của thuốc lá chính là bảo vệ sức khỏe bản thân hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh khi về già, giảm gánh nặng chi ngân sách đối với ngành Y tế trong việc chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá.