Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một trong những chính sách xã hội của Nhà nước, thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm mình vì mọi người - mọi người vì mình trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này tại địa bàn thành phố Thái Nguyên vẫn còn những khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hương, ở tổ 32, phường Phan Đình Phùng cho biết: Vài năm trở lại đây, tôi bị mắc các bệnh, như: Cao huyết áp, rối loạn tiền đình… Định kỳ, tháng nào tôi cũng phải đến bệnh viện 1 lần để các bác sĩ thăm khám và cấp phát thuốc điều trị hằng ngày. Sức khỏe cũng dần dần ổn định. Nhờ có BHYT mà tôi đỡ được chi phí tiền thuốc. Nếu không, chỉ với đồng lương hưu của tôi mà tháng nào cũng phải đi khám, chữa bệnh thì chẳng đủ trang trải cuộc sống. Tôi thấy lợi ích mà BHYT mang lại rất thiết thực. Còn chị Nguyễn Thị Thanh, ở tổ 5, phường Tân Lập thì chia sẻ: Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, 1 cháu 4 tuổi và 1 cháu 1 tuổi. Nhờ có BHYT mà mỗi lần ốm đau phải đi viện, các cháu đều được thanh toán, vợ chồng tôi cũng đỡ được 1 khoản chi phí.
Có thể thấy, lợi ích của BHYT là thiết thực với cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội thành phố Thái Nguyên, những người tham gia BHYT phần lớn tập trung ở đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 100%, như: Người có công với cách mạng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi… chiếm tới 80% số người tham gia BHYT. Còn tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện, người lao động trong các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 20% trong tổng số người tham gia BHYT. Năm 2013, toàn thành phố có trên 199 nghìn người tham gia BHYT, đến năm 2014 lại giảm xuống chỉ còn trên 181 nghìn người tham gia.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, tại nhiều gia đình, dù biết lợi ích của BHYT nhưng vẫn chưa thể mua được thẻ BHYT cho các thành viên. Có hộ chỉ đóng BHYT cho những thành viên thường xuyên ốm đau hoặc mắc các bệnh mãn tính, có chi phí chữa trị cao. Ngoài ra, hiện nay, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, cộng với các thủ tục khám, chữa bệnh còn nhiều vướng mắc khiến người dân cũng chưa mấy mặn mà với BHYT. Anh Nguyễn Văn Hồng, ở tổ 5, phường Túc Duyên cho biết: Tôi chạy xe ôm, còn vợ làm thợ may, thu nhập mỗi tháng cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình gồm có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Với mức đóng BHYT tự nguyện hiện nay là 621 nghìn đồng/người/năm là hơi cao đối với các hộ có thu nhập trung bình như gia đình tôi. Do không có BHYT nên mỗi lần ốm đau tôi tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống, chỉ trừ khi bệnh nặng lắm tôi mới dám vào viện điều trị vì sợ tốn kém.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Thanh, làm ở bộ phận BHYT, thuộc Bảo hiểm Xã hội T.P Thái Nguyên cho biết: Ngoài nguyên nhân khó khăn về kinh tế thì còn do nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT tự nguyện. Hơn nữa, việc cấp phát thẻ BHYT ở một số phường, xã đôi khi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, trạm y tế ở 1 số xã còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, người dân chưa hài lòng trong khâu khám, chữa bệnh ban đầu và muốn chuyển lên tuyến trên phải mất thời gian chờ đợi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu quyền lợi của mình khi tham gia đóng BHYT.
Có thể thấy, để vận động người dân tích cực tham gia BHYT, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các ngành chức năng cũng cần thực hiện tốt công tác rà soát, thẩm định, cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, tránh cấp trùng giữa các đối tượng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để từng bước làm hài lòng người bệnh, nhất là những người có thẻ BHYT.