Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá: Tuyên truyền vẫn là số 1

16:11, 07/12/2014

Nghị định 176/2013/NĐ - CP, quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng đã có có hiệu lực từ lâu nhưng đến nay, dường như chưa đi vào cuộc sống. Tại các nơi công cộng như bến xe, bệnh viện, nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá. Rất khó để xử phạt những trường hợp này, vì vậy phương án hữu hiệu nhất vẫn là tích cực tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân.

Dạo một vòng quanh khu vực Bến xe khách Thái Nguyên, chúng tôi thấy người hút thuốc lá vẫn nhan nhản, nhả khói mù mịt, cảnh hút và mua bán thuốc ở đây diễn ra bình thường. Ông Nguyễn Văn Lan người làm nghề xe ôm cho biết: Tôi làm nghề xe ôm ở đây được 7 năm nay, chưa bao giờ nghe đến quy định cấm hút thuốc hay có ai nhắc nhở gì nên thèm là hút. Đứng cạnh ông Lan là hai thanh niên còn rất trẻ, thấy tôi hỏi về hút thuốc ở đây, họ tỏ ý ngạc nhiên: Có ai cấm đâu (?!)

 

Không riêng gì ở bến xe, trong khuôn viên Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A và một số điểm công cộng khác vẫn có người hút thuốc lá, mặc dù xung quanh có biển cấm. Bác sĩ Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Trước đây, rất nhiều người hút thuốc lá trong Bệnh viện, đặc biệt là ở phòng bệnh nhưng từ khi có quy định xử phạt, chúng tôi treo các pa nô, khẩu hiệu và quán triệt cán bộ, nhân viên làm gương và tăng cường nhắc nhở nên có giảm. Song để chấm dứt thì khó vì không phải ai cũng có ý thức và kiên trì để bỏ.

 

Theo Nghị định số 176 thì cá nhân hút thuốc nơi công cộng như bến xe, bệnh viện, phòng họp, sân bay hay những nơi công cộng khác có quy định cấm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Quy định là vậy, xong để xử phạt thì rất khó bởi lẽ các cơ quan như bệnh viện, bến xe chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt. Người có quyền được phạt theo Nghị định 176 bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra y tế, Chánh thanh tra thuộc Bộ và Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình…

 

Ông Nguyễn Tiến Đại - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Thái Nguyên cho biết: Phương pháp tuyên truyền, vận động vẫn phải phải đặt lên hàng đầu, nhưng tuyên truyền với nội dung, hình thức thế nào cho hiệu quả để thay đổi dần nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá mới là việc không dễ. Thời gian qua, tỉnh cũng có nhiều hoạt động truyền thông về vấn đề này. Từ năm 2010, tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình không khói thuốc với tổng số đơn vị tham gia là 149 gồm: 33 đơn vị khối y tế trực thuộc Sở Y tế; 50 cơ quan đơn vị hành chính cấp tỉnh và 9 UBND huyện, thành, thị, 81 đơn vị trường PTTH, đại học, cao đẳng trên địa bàn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp lập kế hoạch và tác hại của thuốc lá, kỹ năng tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá cho hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, xây dựng nhóm nòng cốt tự giám sát để giám sát 100% các đơn vị tham gia mô hình.

 

Đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là bệnh viện, trường học, bằng nguồn quỹ của mình đã tự làm những pa nô áp phích, khẩu hiệu để tuyên truyền với số lượng, diện tích nhiều và to hơn trước. Nhiều cơ quan đã xây dựng những quy chế riêng, hình phạt, đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với CBCNV vi phạm, làm gương cho dân. Ví dụ như: Bến xe khách Thái nguyên đã có văn bản cam kết đối với từng cán bộ, phòng, ban về việc hút thuốc lá; trường hợp vi phạm sẽ bị trừ tiền phạt vào lương, thưởng vào dịp tổng kết cuối năm.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định cấm hút thuốc mới chỉ dừng lại ở các cơ quan, công sở, còn đối với người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá chưa cao. Khâu tuyên truyền trong dân chưa sâu, nhiều nơi thực hiện nội quy phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa thật đầy đủ, chặt chẽ và nghiêm túc.

 

Thời gian tới, mong rằng các cơ quan, ban, ngành cần chung tay tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không thuốc lá rộng rãi trong nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện quy định của Luật cũng như các điểm cấm hút thuốc lá. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng và mỗi người cần là một tuyên truyền viên tích cực về tác hại thuốc lá, có như thế mới hy vọng việc hút thuốc nơi công cộng chấm dứt được.