Thái Nguyên được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm về ma túy và số người lây nhiễm HIV cao. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện chỉ có 61 cán sự chuyên trách làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), với mức phụ cấp hàng tháng còn thấp. Thực tế đó khiến cho công tác này ở các địa phương gặp không ít khó khăn.
Cán sự chuyên trách phòng, chống TNXH ở xã, phường, thị trấn thuộc T.P Thái Nguyên hiện được phụ cấp 1,0 mức tiền lương tối thiểu; ở Phổ Yên là 200 nghìn đồng/tháng; các huyện còn lại là 120 nghìn đồng/tháng; các xã, thị trấn bố trí làm kiêm nhiệm không có phụ cấp. |
Toàn tỉnh hiện có 166/180 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 179/180 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS; 9 tháng năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 16 vụ với 51 đối tượng hoạt động mại dâm trong đó có cả học sinh, sinh viên, và có cả đường dây "gái gọi"… Điểm qua những con số này cũng phần nào khái quát được tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn và sự phức tạp của nó.
Xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) được biết đến là một điểm nóng về ma túy, HIV/AIDS. Toàn xã hiện còn gần 100 đối tượng nghiện ma túy, hơn 60 đối tượng đang nhiễm HIV/AIDS (đây chỉ là số lượng người có hồ sơ quản lý). Ông Phạm Văn Quang làm công tác phòng, chống TNXH của xã đến nay đã tròn 10 năm. Ông chia sẻ: Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải là số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn đông và biến động liên tục. Muốn nắm được con số chính xác ở từng thời điểm, nhất là kịp thời phát hiện đối tượng mới phát sinh không dễ. Muốn tạo được sự tin tưởng để các đối tượng không che giấu hành vi của mình, tôi không thể chỉ tuyên truyền trong các buổi họp xóm, những cuộc gặp gỡ mang tính thân tình thường đem lại hiệu quả hơn. Có lúc tôi phải đến nhà đối tượng, có lúc mời họ đến nhà mình hoặc tập trung nhiều đối tượng lại cùng ngồi uống nước rồi tranh thủ truyền đạt điều cần nói... Điểm tên đầu việc của ông Quang thì khá nhiều, nhưng theo lãnh đạo xã Linh Sơn, một mình ông Quang thì chưa thể “kham hết” công việc, một phần do mức phụ cấp thấp 120 nghìn đồng /tháng nên xã bố trí đây là việc kiêm nhiệm (ông Quang hiện đang là Trưởng xóm Cây Thị và Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ Điện).
Tương tự, xã Xuân Phương (Phú Bình), cũng là một trong những xã trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, kéo theo đó là tình trạng mất an ninh trật tự (thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp vặt). Đồng chí Dương Nghĩa Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương bày tỏ: Chúng tôi chưa có cán bộ làm công tác PCTNXN nên nhu cầu thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện để làm việc này là rất cần thiết. Đối với địa bàn rộng được chia làm 2 miền như ở Xuân Phương, chắc chắc nếu được thành lập, vai trò của đội sẽ được phát huy. Bởi là người địa phương, họ sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận, nắm tình hình và vận động các đối tượng hơn.
Mô hình Đội xung kích phòng, chống ma túy của T.P Thái Nguyên giúp chúng ta hình dung dễ hơn về mạng lưới đội phòng, chống TNXH mà các địa phương khác đang mong muốn thành lập. Là địa phương duy nhất trong tỉnh thành lập được mô hình này ở tất cả 28 xã, phường trên địa bàn, với tổng số 108 thành viên. Mức hỗ trợ mỗi thành viên trong đội là 0,5% mức lương tối thiểu (hiện nay bằng 575 nghìn đồng/tháng).
Đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Muốn công tác phòng, chống TNXH đạt hiệu quả cao phải bắt đầu từ mỗi cộng đồng dân cư và phải phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Không gì hiệu quả bằng việc huy động chính người tại địa phương tham gia vào việc phát hiện, vận động, cảm hóa và giúp đỡ các đối tượng lầm lỡ tái hóa nhập cộng đồng. Ngoài việc vận động mỗi thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân thì hỗ trợ kinh phí hoạt động cho họ một cách phù hợp sẽ làm tăng hiệu quả công việc. Sau 8 năm hoạt động, các thành viên trong đội xung kích đã phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy, tổ chức ký cam kết, phát tờ rơi, tham gia diễu hành cổ động về từng tổ dân phố… Ngoài ra, đội còn phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện bắt giữ các đối tượng về ma túy, triệt xóa các tụ điểm, áp giải đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện và giúp đỡ họ trong quá trình tái hòa nhập. Căn cứ vào tính phức tạp của từng địa bàn, chúng tôi phân bổ số lượng người trong mỗi đội xung kích.
Trước đây, chúng ta nhận được sự giúp đỡ khá lớn của các tổ chức quốc tế cho mục tiêu kiềm chế gia tăng, từng bước giảm dần số người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, giúp người bán dâm hoàn lương. Nhưng theo lộ trình các chương trình này đang dần bị cắt giảm trong khi TNXH vẫn có những diễn biến khó lường. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu trên cần sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, việc thành lập và chuyên nghiệp hóa các đội làm công tácphòng, chống TNXH càng trở nên cần thiết.