Tại cuộc họp báo đánh giá 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt theo Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ Y tế tổ chức chiều 20/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đã có 13 bệnh viện Trung ương cam kết "không để người bệnh nằm ghép".
Theo đó, 13 bệnh viện trực thuộc Trung ương bao gồm: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Bệnh viện E, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, Da liễu Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tâm thần Trung ương 1, Việt Nam - Cu ba, Đa khoa Đồng Hới, Châm cứu Trung ương đã có văn bản cam kết thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt tại Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020.
Bộ Y tế họp báo đánh giá 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt theo Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chiều 20/1. Ảnh: Đỗ Thoa
Các bệnh viện trên cam kết không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép giường bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện ngay từ những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2015.
Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức 3 đợt ký cam kết không để người bệnh nằm ghép vào ngày 27/2, 19/5 và 2/9 cho các bệnh viện. Tuỳ theo khả năng giải quyết tình trạng nằm ghép của bệnh viện, các cam kết bao gồm: bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú; bảo đảm tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người sẽ được bố trí một giường bệnh; bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau 2 năm thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, cả 4 mục tiêu của Đề án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: tăng 38.913 giường bệnh thực kê (tăng 17,5% so với năm 2012), tăng 5.102 bàn khám (nâng tổng số bàn khám lên 10.830, gần gấp đôi so với năm 2012), tổng thời gian chờ khám được rút ngắn trung bình 48,5 phút/người bệnh, giúp tiết kiệm 27,2 triệu ngày công lao động xã hội, cơ sở vật chất phục vụ người bệnh được cải thiện, 37,5% bệnh viện vệ tinh đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, 25% bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh...
Một trong các mục tiêu quan trọng của Đề án là cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015 đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của tất cả các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối. Các bệnh viện vận dụng thành công từ những kinh nghiệm thực tiễn để từng bước giảm tình trạng nằm ghép với các nhóm giải pháp như xây dựng thêm khu điều trị, kê thêm giường bệnh; thiết lập đơn vị lọc bệnh ngoại trú, chuyển điều trị ngoại trú những trường hợp có thể, điều trị ban ngày, giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn nhập viện; rút ngắn thời gian điều trị nội trú thông qua áp dụng quy trình và phác đồ điều trị chuẩn, giám sát điều trị; điều phối linh hoạt giữa các khoa lâm sàng; tăng cường mối liên kết, chuyển tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới, thiết lập mạng lưới “bệnh viện giảm tải”.
Tại buổi họp báo, Bộ Y tế cho biết, các bệnh viện thống nhất 3 nhóm tiêu chí liên quan đến việc không còn tình trạng nằm ghép: Thứ nhất bắt đầu mỗi người một giường bệnh ngay khi vào điều trị nội trú; Thứ hai là tối đa sau 24 giờ sẽ bố trí mỗi người một giường bệnh; Thứ 3 là tối đa sau 48 giờ sau nhập viện.
Trước câu hỏi của nhiều phóng viên về cơ chế giám sát đối với các bệnh viện đã ký cam kết không còn tình trạng nằm ghép, Bộ Y tế cho biết, người dân nếu thấy vẫn còn nằm ghép có thể phản ánh qua đường dây nóng với lãnh đạo bệnh viện, nếu không giải quyết được thì tiếp tục báo cáo lên Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp; lập các đoàn đi kiểm tra giám sát.
Chia sẻ tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, quá tải bệnh viện là bức xúc của người dân, sở dĩ chúng ta quá tải vì nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn, trong khi thực tế chưa đáp ứng được. Các bệnh viện đã rất mạnh dạn đăng ký không nằm ghép. “Bệnh viện Việt Đức cam đoan bệnh nhân sẽ không phải nằm ghép, nhưng khi vào bệnh viện thì có thể phải nằm cáng để dễ di chuyển. Những khoa nào thiếu giường mà không đi lấy của khoa khác sẽ bị phạt”, ông Quyết nhấn mạnh.
Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định: “Việc cam kết này hoàn toàn khả thi. Để thực hiện cam kết này chúng tôi hoàn có cơ sở. Trong 4 tháng vừa rồi tại bệnh viện không còn nằm ghép”. Cụ thể, bệnh viện tổ chức cải cách hành chính, tăng cường cơ sở hạ tầng, chọn bác sĩ điều dưỡng có chuyên môn cao ra làm việc tại phòng khám vào giờ cao điểm: sáng, ngày đầu tuần; bác sĩ chỉ khám 50 - 60 bệnh nhân trong 8giờ làm việc./.