Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian gần đây, UBND huyện Phú Bình đã có những biện pháp nhằm chấn chỉnh lại hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. Hoạt động khai thác cát sỏi trái phép cũ chưa được dẹp bỏ, trong khi đó, nhiều điểm khai thác mới lại bùng phát...
Xử lý chưa triệt để…
Báo Thái Nguyên, số 4521 ra ngày 15-1-2015 có bài viết “Phú Bình: Tàu cát vẫn ngang nhiên “rút ruột” sông Cầu”, phản ánh về tình trạng bùng phát nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình. Ngay sau đó, ngày 16-1, Đoàn kiểm tra liên ngành về tài nguyên khoáng sản của tỉnh đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản yêu cầu UBND huyện Phú Bình khẩn trương triển khai việc kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND xã có biện pháp đình chỉ, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép theo quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát tất cả các địa điểm tập kết, mua bán cát sỏi trên địa bàn, thu giữ toàn bộ số lượng cát, sỏi không có nguồn gốc và xử lý theo quy định.
Ngày 21-1, UBND huyện Phú Bình đã có văn bản báo cáo với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả xử lý hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện. Báo cáo nêu rõ: “Đến nay, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương trên địa bàn huyện Phú Bình đã cơ bản được ngăn chặn, giải tỏa, không để gây bức xúc trong nhân dân”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn huyện Phú Bình không những chưa chấm dứt mà còn đang bùng phát mạnh mẽ hơn.
Có mặt tại xóm Trại Mới, xã Thượng Đình vào 14 giờ ngày 26-1, theo quan sát của chúng tôi, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra khá tấp tập. Tại đây, có 1 tàu cuốc, 1 máy xúc đang tiến hành khai thác. Cùng với đó là hàng chục ô tô đang vận chuyển cát sỏi từ bãi tập kết tỏa đi khắp các ngả đường… Phía bên kia sông Cầu, thuộc địa phận xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá cũng có 1 tàu hút và 2 máy xúc đang miệt mài xúc cát sỏi đưa lên bờ để vận chuyển về bãi tập kết cách đó không xa. Theo phản ánh của người dân, ngay sau khi đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện vừa rút đi thì các tàu khai thác cát sỏi lại quay trở lại hoạt động bình thường. Mỗi ngày có hàng nghìn mét khối cát sỏi bị khai thác trái phép ở khu vực này. Ông Dương Văn T. (xin được giấu tên), xóm Trại Mới, xã Thượng Đình bức xúc: Sau khi báo chí phản ánh, liên tiếp các đoàn cán bộ của tỉnh, huyện về kiểm tra. Chúng tôi nghĩ rằng tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở đây sẽ sớm được dẹp bỏ nhưng nào ngờ, khi đoàn kiểm tra đi khỏi, tàu cát lại quay trở lại hoạt động như chưa hề có việc kiểm tra.
Phát sinh thêm những điểm khai thác cát sỏi trái phép
Trong khi tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở 2 xã Thượng Đình và Đào Xá còn chưa được dẹp bỏ thì trên địa bàn huyện Phú Bình lại tiếp tục xuất hiện thêm 2 điểm khai thác cát sỏi trái phép mới. Điều đáng nói là 1 trong 2 điểm khai thác trái phép này là do chính quyền xã đứng ra tổ chức thực hiện.
Theo phản ánh của người dân, khoảng hơn một tuần nay, tại khu vực bến đò xã Nga My, máy xúc của đơn vị thi công Dự án kè chống xói lở bờ sông Cầu (Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 10) thường xuyên xúc cát sỏi dưới lòng sông Cầu lên các ô tô vận chuyển ra khỏi địa phương làm hư hỏng đường sá, thất thoát nguồn tài nguyên của Nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My thừa nhận: UBND xã Nga My đã thuê máy xúc của Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 10 cùng với 15 ô tô tải của một doanh nghiệp trên địa bàn để khai thác cát sỏi dưới lòng sông Cầu. Ông Hùng giải thích: Bến đò ngang thuộc địa phận xóm Đò, xã Nga My qua nhiều năm sử dụng đã bị cát sỏi bồi lấp khiến cho hoạt động của bến đò gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Vì vậy, UBND xã đã quyết định tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Cầu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong quá trình nạo vét, khơi thông dòng chảy, UBND xã kết hợp với khai thác cát sỏi để sử dụng cho việc đổ cấp phối các tuyến đường trên địa bàn xã và tỉnh lộ 266. UBND xã đã làm tờ trình xin phép UBND huyện nhưng chưa nhận được công văn trả lời.
Trong lúc đợi chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Nga My đã “tranh thủ” thuê máy móc khai thác được khoảng hơn 1.000 m3 cát sỏỉ từ lòng sông Cầu. Theo phản ánh của nhiều người dân: Ngoài việc sử dụng cát sỏi để đổ cấp phối các tuyến đường, đơn vị được UBND xã Nga My thuê khai thác còn vận chuyển cát sỏi ra ngoài bán với giá từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/xe tải 5 tấn. (khoảng 170 nghìn đồng/m3).
Rõ ràng việc UBND xã Nga My lợi dụng công tác nạo vét bến đò để khai thác cát sỏi đã vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành về quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, gây thất thoát nguồn tài nguyên của Nhà nước.
Thêm một điểm khai thác cát sỏi trái phép khác mới bùng phát thời gian gần đây đó là tại khu vực xóm Ngược, xã Bảo Lý. Có mặt tại khu vực này vào 16 giờ ngày 26-1, chúng tôi thấy có 4 tàu cuốc và hàng chục xe tải đang hoạt động. Tiếng máy nổ rền vang, khuấy đục ngầu cả một khúc sông Cầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lúc cao điểm, khu vực này có đến 6 tàu cuốc và trên 20 xe tải cùng hoạt động. Trung bình mỗi ngày có trên 200 lượt xe tải vận chuyển khoảng 4.000 m3 cát sỏi khai thác trái phép từ lòng sông Cầu đi ở các nơi tiêu thụ.
Làm việc với cơ quan chức năng của huyện Phú Bình, chúng tôi thực sự khó hiểu khi hiện tượng khai thác cát trái phép diễn ra liên tục, công khai một thời gian dài song việc phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng lại quá ít. Cả năm 2014, huyện Phú Bình chỉ xử phạt được 6 trường hợp vi phạm về lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện chỉ xử phạt được 1 trường hợp với số tiền 500 nghìn đồng. Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng có sự bao che, dung túng của chính quyền địa phương đối với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình?