Sau khi báo Thái Nguyên có bài viết “Trắng tay khi đi giúp việc tại Ảrập Xêút” đăng trên số báo ra ngày 20-12-2014, đề cập về việc một số lao động giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút gặp điều kiện lao động hà khắc buộc phải nộp phạt để phá hợp đồng về nước trước thời hạn, ngày 19-1, tại xã Tức Tranh, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện gặp mặt người lao động trở về từ Ảrập Xê út.
Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chưa có con số thống kê cụ thể về số người đi xuất khẩu giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút phá hợp đồng về nước trước thời hạn. Tuy nhiên, theo chúng tôi nắm được, đã có 7 lao động buộc phải về nước trước thời hạn. Trong đó có 5 người ở xã Tức Tranh và 2 người ở xã Yên Đổ. Tại buổi gặp, những lao động về nước cho biết, nhiều người lao động của Việt Nam nói chung và những lao động của huyện Phú Lương nói riêng đã phải làm việc quá sức tại Ảrập Xêút, cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến sức khỏe bị suy yếu. Đặc biệt, Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát (đơn vị tuyển dụng lao động) đã thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết những vướng mắc, vấn đề phát sinh cho người lao động trong quá trình làm việc... Để được về nước trước thời hạn, 5/7 người đã phạt nộp phạt số tiền là 42 triệu đồng/người. Để có tiền nộp phạt, các gia đình đã phải bán đất, thuế chấp nhà ở cho ngân hàng. Một số lao động chưa nhận được lương thỏa đáng như cam kết ban đầu. Hiện cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chia sẻ với những khó khăn mà người lao động gặp phải, lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tiếp nhận những kiến nghị của người lao động để báo cáo UBND huyện. Được biết, sau buổi làm việc này, Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện Phú Lương mời đại diện Công ty Vĩnh Cát lên làm việc để xác định trách nhiệm của Công ty trong việc tuyên truyền, tuyển dụng và xem xét có những hỗ trợ chính đáng cho người lao động.
Xuất khẩu lao động là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều người nên cần được khuyến khích. Tuy nhiên với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khi đến làm việc, người lao động Việt Nam gặp nhiều khó khăn cả về nguyên nhân chủ quan và khách quan như với thị trường như Ảrập Xêút, thì phải xem xét kỹ càng hơn. Do đó, về phía đơn vị tuyển dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về thị trường người lao động hướng tới để họ có sự lựa chọn và chuẩn bị tâm lý thích ứng. Cùng với việc tuyên truyền về chủ trương chính sách, các cấp, ngành cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động tuyển dụng của các đơn vị tại mỗi địa phương. Riêng với người lao động, cũng cần cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu và ký kết hợp đồng lao động nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra. Có như vậy, công tác xuất khẩu lao động mới thực sự mang lại hiệu quả.
Thông tin liên quan đến vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới độc giả trong thời gian tới.