Thời gian qua, nhiều hộ dân canh tác trên cánh đồng Cầu Hánh thuộc xóm Chiễn 2, xã Nhã Lộng (Phú Bình) phản ánh tình trạng một số chủ lò gạch trên địa bàn huyện đã cho các phương tiện như: máy múc, xe tải cỡ lớn đến khai thác đất nông nghiệp tại cánh đồng này để sản xuất gạch, ngói. Thực trạng đó khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.
Đến Cầu Hánh, chúng tôi được chứng kiến tận mắt cảnh tan hoang của cánh đồng rộng hơn 5ha, nơi có hơn 30 hộ dân trong xóm đang canh tác. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có đến gần 1ha đất cấy lúa 2 vụ và đất trồng màu bị đào khoét nham nhở, tạo thành những hố rộng hàng trăm mét vuông chứa đầy nước nằm rải rác khắp cánh đồng. Theo ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng xóm Chiễn 2: năm 2013, nhiều hộ dân trong xóm chuyển ra mặt đường sinh sống nên đã bán lại diện tích đất nông nghiệp trên cánh đồng này cho các chủ lò gạch. Hoạt động khai thác đất ruộng để sản xuất gạch được thực hiện từ đó cho đến nay, trong khi các chủ lò gạch không có giấy phép khai thác. Ban đầu, họ chỉ lấy đất ở độ sâu 45-50cm, sau rồi cứ lấy sâu dần hết lớp đất này đến lớp đất khác, việc khai thác như thế này đã khiến các mảnh ruộng bị đào khoét không thể khôi phục nguyên trạng để có thể canh tác trở lại, đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp đối với những hộ xung quanh. Bởi, nếu một ruộng bị lấy đi lớp đất mặt thì các chân ruộng kế bên cũng dễ bị lở, sụt lún. Đến mùa thu hoạch, máy gặt không thể đi qua phần ruộng trũng để sang ruộng lân cận cắt lúa. Trong quá trình khai thác và vận chuyển đất, các phương tiện đã san lấp một số đoạn mương, hệ thống đường nội đồng bị hư hỏng nặng khiến việc lấy nước vào các ruộng và vận chuyển nông sản vô cùng khó khăn. Đặc biệt, với việc xuất hiện những hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước đối với người và gia súc...
Đang loay hoay tìm cách đóng cọc đắp bờ, ông Nguyễn Văn Tôn, một người dân xóm Chiễn 2 cho biết: “Hầu hết đất nông nghiệp của gia đình tôi đều tập trung ở cánh đồng này với diện tích là 6 sào. Vụ trước, để dẫn nước vào ruộng tôi phải dùng 4-5 chiếc máy bơm nước, hút ròng rã mấy ngày từ các ao, ngòi gần đó mới có thể để gieo cấy, còn lại phụ thuộc vào nước trời vì lòng mương bị thu hẹp, dòng nước không thể chảy. Vì thế năng suất lúa giảm đáng kể, chỉ đạt 1,2- 1,4 tạ thóc/sào/vụ, có ruộng thậm chí còn không cho thu hoạch vì thiếu nước. Để chuẩn bị cho vụ xuân năm nay, hầu hết các hộ dân đã cày đất lấy ải, nhiều hộ dân còn chặt tre, cho đất vào các bao tải để đắp bờ giữ nước, nhưng luôn thấp thỏm nỗi lo bờ ruộng đắp lên sẽ bị sụt lở dần sau những trận mưa lớn”.
Còn đối với hộ ông Nguyễn Văn Đức, hộ có 3 sào ruộng liền nhau thì xung quanh số ruộng này sát với những ruộng có đất bị lấy sâu đến 7m, khiến ruộng của gia đình ông nằm chênh vênh giữa những hố nước sâu. Ông Đức cho biết: “Năm trước, họ chỉ lấy đất sâu khoảng 50cm thì gia đình tôi vẫn khắc phục để gieo cấy được, nhưng gần đây họ lấy đất ngày một sâu hơn nên không biết vụ tới sẽ canh tác ra sao khi bờ ruộng đã bị mất hoàn toàn, đất ruộng cũng sụt lún dần theo các hố sâu sau mỗi trận mưa”. Cũng theo ông Đức thì trước đây, cánh đồng Cầu Hánh đất đai rất màu mỡ, vụ đông năm nào cũng xanh ngắt một màu của ngô và rau màu các loại. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, cứ cấy xong 2 vụ lúa là bà con lại bỏ đất trống, không trồng bất kỳ một loại cây hoa màu nào vì sợ không lấy được nước.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Năm 2013, khi tình trạng đào đất để làm gạch diễn ra tại xóm Chiễn 2, trong các cuộc họp xóm, chúng tôi đều vận động bà con không nên bán đất cho các chủ lò gạch vì về lâu dài, họ sẽ không còn đất để canh tác. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác và xử lý 3 chủ lò gạch có hộ khẩu thường trú tại xã Xuân Phương (Phú Bình) về hành vi khai thác đất nông nghiệp trái phép trên cánh đồng Cầu Hánh. Tuy nhiên, gần đây họ lại lén lút hoạt động trở lại vào các ngày nghỉ hoặc vào ban đêm nên xã rất khó để kiểm soát. Còn ông Dương Ngọc Tuyên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Sau khi nhận được đơn phản ánh của một số hộ dân xóm Chiễn 2, mới đây, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền xã Nhã Lộng tiến hành kiểm tra hành vi sai phạm của 2 cá nhân và đình chỉ hoạt động đối với 5 phương tiện khai thác, vận chuyển. Đồng thời, cùng với ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi và không cho khai thác đất mặt ruộng tại những nơi mới. Các hố sâu do khai thác đất để lại sẽ dùng để chứa nước phục vụ cho sản xuất của địa phương trong mùa khô.
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng này, cấp ủy chính quyền xã Nhã Lộng cũng như huyện Phú Bình cần có các biện pháp vào cuộc quyết liệt hơn nữa; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Cùng với đó, các hộ dân cần nâng cao ý thức, không vì lợi ích trước mắt của bản thân mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của tập thể. Đối với diện tích đất đã khai thác cần có những biện pháp khắc phục kịp thời để hoạt động sản xuất của bà con dần ổn định.