Hiệu quả kép từ hoạt động của Ngân hàng CSXH

17:30, 27/01/2015

Nhắc đến Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), người ta thường hay nghĩ đến hiệu quả mà nguồn vốn mang lại đối với các đối tượng chính sách trong việc xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa về mặt kinh tế, còn một ý nghĩa khác cũng rất quan trọng mà không phải ai cũng biết đó là hiệu quả về mặt xã hội…

 

NHCSXH tỉnh Thái Nguyên có nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong những năm qua, từ nguồn vốn này, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con ăn học hoặc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, giúp ổn định và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân... Tính đến cuối năm 2014, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt gần 2.130 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Hiện, Chi nhánh thực hiện cho vay 11 chương trình, với tổng dư nợ tính đến cuối năm 2014 đạt 2.117 tỷ đồng, tăng 4,19% so với cuối năm 2013.

 

Trong số các chương trình cho vay của NHCSXH, cho vay hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, hiện là 40%, tương ứng số tiền trên 847 tỷ đồng, với hơn 34 nghìn khách hàng còn dư nợ. Tiếp đến là cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 353,4 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng dư nợ. Mức dư nợ bình quân đạt 24,4 triệu đồng/hộ. Cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 334,3 tỷ đồng, chiếm gần 16%, với 16,9 nghìn hộ còn dư nợ. Cho vay hộ cận nghèo 190 tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng dư nợ, với 6.863 hộ đang vay. Nhìn chung, mức dư nợ bình quân/hộ của các chương trình cho vay đều có xu hướng tăng qua các năm, trong đó nhiều nhất là ở chương trình cho vay hộ nghèo, với mức tăng 3,7 triệu đồng/hộ so với năm 2013.

 

Ngoài các chương trình cho vay trên, các chương trình cho vay khác mà NHCSXH tỉnh đang triển khai cũng có ý nghĩa rất lớn, thiết thực đối với người vay. Đó là chương trình cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hiện có dư nợ hơn 168 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với cuối năm 2013, chiếm 7,9% tổng dư nợ; Hộ nghèo về nhà ở (103,7 tỷ đồng); Giải quyết việc làm (79,3 tỷ đồng); Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (13 tỷ đồng); Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (hơn 12 tỷ đồng); Hộ đồng bào dân tộc nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 755 đạt 10,6 tỷ đồng; Xuất khẩu lao động (hơn 2,6 tỷ đồng) và Cho vay khác hơn 2,6 tỷ đồng.

 

NHCSXH tỉnh hiện đang quản lý gần 113 nghìn khách hàng. Riêng khách hàng vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh chiếm 25%. Nhờ số vốn này, trong năm 2014, đã có hơn 6 nghìn hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra còn có gần 6,9 nghìn công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng; thu hút và tạo việc làm cho 1,5 nghìn lao động; 5,3 nghìn học sinh, sinh viên có nguồn tài chính cần thiết để chi phí cho học tập… Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo đúng định hướng, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 của cả tỉnh xuống còn 9,07% (giảm 2,53% so với năm 2013).

 

Không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, hoạt động của NHCSXH còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Với việc ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể, NHCSXH đã tạo ra kênh dẫn vốn tín dụng chính sách nhanh nhất, gần nhất đến các đối tượng được thụ hưởng. Việc bình xét cho vay được các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) thực hiện công khai, dân chủ đã tác động tích cực đến tính năng động, sáng tạo của các hộ vay, khuyến khích việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; giúp các tổ chức hội, đoàn thể có thêm sức mạnh trong việc tập hợp lực lượng từ cơ sở. Thông qua việc nhận ủy thác, các tổ chức hội, đoàn thể và tổ TK-VV được trả khoản tiền phí ủy thác và hoa hồng nên có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động, qua đó có điều kiện thu hút thêm hội viên, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động Hội.

 

Ngoài ra, với việc thực hiện giao dịch tại xã đã giúp người dân tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ một cách dễ dàng, thuận lợi, tiết giảm chi phí, đồng thời giúp tăng cường sự giám sát của địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc thực thi chính sách tín dụng, nhằm phục vụ tốt hơn các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

 

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, với việc huy động tiền gửi của tổ viên tổ TK-VV với số tiền tuy không lớn (trung bình chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng/hộ/tháng) nhưng qua đó đã giúp cho các hộ hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu, để tạo lập vốn tự có, làm quen với dịch vụ tài chính ngân hàng và góp phần tăng thêm nguồn vốn cho vay tại chỗ. Việc làm này tạo được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hôi, đoàn thể cũng như của các tổ viên tổ TK-VV. Do đó, đến nay, 100% các tổ TK-VV đều thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng, với số dư toàn tỉnh tính đến cuối năm 2014 lên tới trên 64 tỷ đồng.

 

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả trong hoạt động, NHCSXH tỉnh phấn đấu tăng trưởng dư nợ năm 2015 từ 10% trở lên so với năm 2014; tiếp tục thực hiện tốt việc củng cố tổ TK-VV; giảm tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp nhất (dưới 0,06%); 100% nợ đến hạn được xử lý theo đúng quy trình, quy định… Những kết quả đạt được trong hoạt động của năm 2014, NHCSXH tỉnh đã được Khối thi đua Ngân hàng tỉnh bình xét là đơn vị hoạt động Tốt và được đề nghị tặng Bằng khen của UBND tỉnh.