Lặng thầm người lính Trường Sa

09:50, 17/01/2015

Trên chuyến tàu HQ936 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa dịp đầu năm 2015, tôi gặp anh, Trung uý, bác sĩ Lê Anh Cương, người con của Thái Nguyên ra nhận công tác tại đảo Sinh Tồn.

Những câu chuyện của anh khiến tôi thấm thía hơn nỗi vất vả của người lính hải quân xa quê hương. Ngày đầu tiên trên tàu HQ936 tôi tìm gặp anh qua lời giới thiệu của người cán bộ quân lực. Biết tôi là người Thái Nguyên, anh nắm tay thật chặt nhưng không nói. Tính anh vốn kiệm lời và ngại nói về mình. Tôi biết vậy, anh là bộ đội, mà bộ đội luôn coi công việc mình làm là bình dị, là việc tất yếu để cống hiến cho quê hương, đất nước. Ngồi nhẩn nha uống chén trà của quê hương trên boong tàu HQ936, anh hay nhìn xa xăm ra biển, về phía những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà con tàu đang lầm lũi tiến đến. Tiếng anh nhỏ lẫn vào tiếng sóng biển, tôi nghe câu được câu chăng chỉ thấy ánh nắng chiều hắt trên khuôn mặt khô gầy và đen sạm.

 

Trung uý Lê Anh Cương sinh năm 1979, quê ở tổ 28, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Anh gia nhập quân ngũ năm 1999, sau đó theo học tại Học viện Quân y. Đến năm 2006, anh tốt nghiệp và nhận công tác tại Đội điều trị 486 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Năm 2006, năm đầu tiên đứng trong hàng ngũ của Quân chủng Hải quân cũng là năm anh tình nguyện nhận nhiệm vụ tại đảo Núi Le, một trong những đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa.

 

  • Cuộc sống trên đảo năm 2006 như thế nào thưa anh? – Tôi hỏi
  • Khó tả hết lắm, nếu tưởng tượng cuộc sống trên đảo bây giờ thiếu thốn 1 phần thì ngày ấy chắc phải thiếu thốn đến 10 phần. – Anh trả lời.

Ngày đó, những chuyến tàu ra thực hiện nhiệm vụ ngoài đảo thưa hơn bây giờ và cũng có rất ít đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Cộng thêm, điện thoại, phương tiện thông tin giải trí không có nên “bệnh” mà những người lính đảo “mắc” nhiều nhất là bệnh “thèm người”. Mỗi chuyến tàu đến là các anh lại mong ngóng xem mình có nhận được bức thư nào từ đất liền gửi ra không, xem có ai sống gần nhà để hỏi thăm tình hình quê hương giờ thay đổi thế nào. Ngoài ra, đời sống vật chất ngoài đảo cũng kham khổ, thiếu nước ngọt, rau xanh và thịt cá tươi, các anh phải thường xuyên dùng đồ hộp, lương khô. Nhưng dẫu khó khăn thế nào, những người lính đảo vẫn yêu thương, gắn bó, động viên nhau vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là người lính Quân y, anh Cương luôn tích cực cứu chữa cho ngư dân gặp nạn và cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo. Anh nhớ nhất là việc chữa bệnh cho một ngư dân vào tháng 6-2006. Bệnh nhân được đưa đến đảo trong tình trạng sức khoẻ yếu, xanh xao vì bị xuất huyết tiêu hoá nhiều ngày, anh lập tức truyền dịch và điều trị thuốc. 3 ngày sau, bệnh nhân ổn định, khoẻ khoắn trở lại, có thể trở về tàu tiếp tục làm nhiệm vụ. Khi ra về, những ngư dân trên tàu gửi biếu đảo 2 con cá to, mỗi con nặng gần 30kg. Loại cá này trông rất lạ, tròn tròn hơi giống cá chim nước ngọt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều chưa từng nhìn thấy, những ngư dân gửi biếu cũng không biết rõ là cá gì. Để bảo đảm an toàn, các anh em trên đảo đã nấu thử cá cho chó ăn trước, sau khi thấy an toàn mới sử dụng.

 

Năm 2006 cũng là năm đầu tiên anh ăn Tết ngoài đảo. anh bảo: “Ăn Tết ngoài đảo cảm giác đặc biệt lắm, vừa đầm ấm, lại vừa trống trải, vừa vui vẻ hoà quện với anh em nhưng cũng vừa da diết nỗi nhớ nhà. Nhớ lắm! nhưng chẳng có cách nào gửi lời chúc Tết đến gia đình được”. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, những ngày Tết, anh em thường tổ chức trang trí nhà cửa, làm báo tường. Cảm giác thú vị nhất là gói và luộc bánh chưng. Do lá dong gửi từ đất liền thiếu và qua nhiều ngày vận chuyển bị héo, rách, anh em trên đảo nghĩ ra cách dùng bao bố xuyên lỗ thay lá dong. Rồi đến khi gói, luộc bánh, cả đảo quây quần bên nhau, mọi người tranh nhau kể chuyện về gia đình, tình yêu nơi đất liền, tình cảm đồng đội thân thiết như ruột thịt.

 

Khi tôi hỏi thăm về gia đình, anh buồn buồn nói: “Bao nhiêu năm làm lính, cũng bấy nhiêu năm xa nhà. Những việc trọng đại của gia đình như ông nội qua đời, vợ sinh con tôi đều không có mặt”. Vợ anh tên là Đặng Thị Thu Thuý, sinh năm 1984, quê ở huyện Võ Nhai, cùng tỉnh. Hai anh chị quen nhau khi cùng thực tập ở Bệnh viện 91 ở huyện Phổ Yên. Sau hơn 1 năm công tác ở đảo Núi Le, về đất liền trả phép, anh chị đã tổ chức Lễ cưới ở Thái Nguyên. Chị sống và làm việc ở Thái Nguyên, anh đóng quân ở Khánh Hoà. Công việc của bộ đội, 1 năm anh chỉ trả phép về thăm gia đình được 1 lần. Vậy nên, năm 2009, cháu gái Lê Huyền Linh rồi năm 2013, cháu trai Lê Đức Lộc chào đời, chị đều vượt cạn mà không có anh bên cạnh.

 

Cuộc sống người lính là như vậy, Trung uý Lê Anh Cương luôn tâm niệm gạt bỏ hạnh phúc cá nhân để cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Năm 2015, anh tiếp tục tình nguyện tới đảo Sinh Tồn. Nơi anh làm việc, những người lính hải quân vẫn ngày đêm dõi mắt ra biển cả bao la, hướng trái tim về đất mẹ để vững vàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.