Một đêm ở khe Đá Mài

10:06, 11/01/2015

  Dưới trời đầy mưa, tôi cảm nhận hàm răng mình cứng lại vì lạnh, nhưng con đường đất trơn truội dẫn đến khe Đá Mài như có lực hút kỳ lạ khiến tôi không thể cầm lòng, phải đến cho biết.

Đó là một thung lũng khuất ở cuối đất xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), tiếp giáp với xã Phúc Tân (Phổ Yên) được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn xây dựng làm khu xử lý rác thải của thành phố. Nhìn từng chiếc xe rác nối theo nhau ngược con dốc đỏ bê bết bùn đất lên bãi, đẩy ben, dốc thùng xả rác, anh Phạm Xuân Sơn, Đội trưởng Đội Vệ sinh số 5 (Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên) nói gọn lỏn với tôi: Gần 150 tấn rác thải của thành phố đưa về đây mỗi ngày.

 

Làm Đội trưởng, nhưng anh Sơn cũng chẳng khác gì các thành viên trong đội, thậm chí còn vất vả hơn rất nhiều, vì ngoài công tác quản lý, anh thường xuyên phải đi làm thay cho những thành viên bị đau ốm, hoặc nhà có việc bận phải nghỉ. Anh cho biết: Đội có 9 người, chia thành 3 ca, mỗi ca 3 người. Ca làm việc phải có đủ 3 người mới bảo đảm xử lý được khối lượng rác thải từ thành phố đổ về đây. Trong trường hợp ngày mưa, cả Đội cùng có mặt tại bãi rác 24/24 giờ để hỗ trợ nhau việc san gạt rác, xử lý sinh học, khử mùi hôi phân tán, xử lý ruồi, muỗi, côn trùng và những bệnh tật truyền nhiễm và xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ sinh học.  

 

Người lao động trong Công ty có nhận xét, anh là người có duyên nợ với cái nghề xử lý rác thải. Bởi anh đã từng làm một số công việc khác nhau, như: Công nhân ở Công ty Gang thép Thái Nguyên; vào phục vụ trong quân đội; làm công nhân ở Nông trường chè Sông Cầu. Tại Nông trường, anh gặp chị Lương Thị Xuyến, 2 người nên vợ, thành chồng rồi cùng nhau chuyển sang làm công nhân ở Công ty Quản lý đô thị (nay là Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên), trực tiếp làm việc tại bãi rác Thịnh Đức.

 

Anh còn nhớ như tạc: Hôm đó, ngày 2-9-1994, lần đầu tiên làm việc tại bãi rác, anh cảm nhận một sự khó chịu kinh khủng. Rác ngồn ngộn, đủ thứ, đủ mùi. Chống cây cào 3 răng vào đống rác vừa đổ, anh lặng người thấy trong cái đống tạp phế lù bốc mùi chua loét có bông hồng còn tươi, chú gấu bông khá mới, chiếc áo chưa sờn. Một thoáng suy nghĩ lướt qua trong đầu: Cuộc sống là thế. Khi bông hoa cầm trên tay trông thật đẹp, nhưng khi rơi xuống đường thì đã thành cái rác mình phải dọn rồi.

 

Nghĩ thế, cũng là cách răn mình luôn cố gắng phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người làm công tác môi trường. Do có động cơ làm việc nghiêm túc, sau hơn 3 năm, anh được Ban Giám đốc Công ty Quyết định bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Vệ sinh số 5 - Đội xử lý rác tại bãi thải của thành phố.

 

Vợ chồng chọn nghiệp rác mưu sinh, nên chẳng trách mình số cực nhọc, mà động viên nhau sống sao cho có đức để con cháu sau rày không bị quả báo. Rồi cũng có khắc giây chợt tủi lòng, là thuở 3 con gái còn nhỏ, thấy bố mẹ đi làm về, chạy ra đón tay mà vợ lặng nhìn chồng, lén dấu nước mắt vì quần áo mang trên người hôi hám quá.

 

Nhìn ánh đèn pha xe ô tô vào xả rác cắt loang loáng trong màn mưa lạnh, anh Sơn kể: Trước đây, bên bãi rác Thịnh Đức, rác từ thành phố chuyển vào, xả xuống, công nhân chúng tôi chỉ dùng cào, cuốc san ra để lấy lối vào cho xe sau tiếp tục đổ rác, do không có hóa chất khử mùi và không được lấp đất, nên bãi rác đã gây ô nhiễm môi trường, khiến cư dân quanh vùng rủ nhau kéo đến phản đối, không cho xe chở rác vào đổ…

 

Khi bãi rác ở khe Đá Mài mở cửa, thời gian đầu do thực hiện việc chôn lấp rác theo phương pháp đổ lấn, nên bị phát tán mùi khó chịu, nhân dân quanh vùng bất bình, nhiều lần có ý kiến thắc mắc. Vì thế  anh đã suy nghĩ rất nhiều và nảy ra sáng kiến xử lý rác bằng cách đổ rác phân lô, khi rác dày 2m, rộng 2.000m2, cho lấp 1 lượt đất dày 20cm lên trên. Trong trường hợp chưa đủ rác thì thực hiện 1 quý lấp đất 1 lần. Bằng cách làm này, Đội đã hạn chế được sự phát tác mùi khó chịu của rác thải. Trong năm 2014, Đội thực hiện 1 tháng cho máy san lấp đất lên rác 1 lần, thay vì trước đây 3 tháng 1 lần. Nhờ đó, bãi rác giảm được tối đa mùi hôi hám, không gây ô nhiễm tới môi trường xung quanh.

 

Rác được chôn lấp trong lòng đất nhưng hằng ngày lại âm ỉ phân hủy và thấm sâu xuống lòng đất. Để hạn chế sự ô nhiễm này, hằng ngày anh phân công cho các thành viên trong Đội chấp hành nghiêm túc quy trình đón nước rỉ rác về khu xử lý bằng hóa chất. Anh cho biết: Trước đây, công việc này phải sử dụng đến 6 loại hóa chất khác nhau, nhưng không hiệu quả. Năm 2012, tôi đề xuất với Công ty, đề nghị cho sửa chữa, lắp đặt lại hệ thống xử lý đón nước ở bãi rác thải. Đề xuất của tôi được Công ty chấp nhận, hệ thống xử lý nước thải trở nên hoàn thiện hơn. Thay vì 6 loại hóa chất trước đây, chúng tôi chỉ sử dụng 3 loại hóa chất, nhưng hiệu quả mang lại được như mong muốn, nước bãi rác trước khi trả lại môi trường bảo đảm an toàn, không có mùi hôi và rất trong, giảm chi phí tiền hóa chất xử lý nước thải mỗi năm từ 3,2 tỷ đồng xuống còn 2,4 tỷ đồng/năm. Sáng kiến này của tôi được Hội Môi trường Việt Nam và Công ty đánh giá cao,

 

Trong lúc theo anh Sơn xuống thăm khu bể đón nước rỉ rác, tôi mới hiểu thêm công việc của những người làm công tác môi trường như anh Sơn. Một điều thú vị nữa là ngay ở khe Đá Mài, đoạn kề ngay bên đường từ xã Tân Cương sang xã Phúc Tân, bể điều hòa chứa nước sau khi đã được xử lý có diện tích 1.200m2, dung tích chứa 4.800m3 có từng đàn cá tung tăng tìm mồi. Anh Sơn cho biết: Tháng 4-2014, anh em trong Đội đóng góp tiền mua các loại cá rô phi, nheo, chim, trắm về thả, cá lớn nhanh, điều đó thể hiện được nước từ bãi rác, trước khi trở lại môi trường tự nhiên đã bảo đảm an toàn.

 

Chợt có ánh đén loang loáng cắt vào màn mưa, tôi vội nhìn đồng hồ, đã 5 giờ sáng. Vậy là một ngày mới lại bắt đầu, từng chuyến xe trở rác từ thành phố nối theo nhau vào đây xả bỏ những rác rưởi. Trước khi chia tay, anh Sơn cầm tay tôi, bảo: Nghiệp đời tôi gắn với rác, vì thế tôi mơ đến một ngày không xa, rác được tái chế thành những sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống con người… Giây lát dừng lời, anh tâm sự: Trong nhà tôi, không chỉ có vợ chồng làm nghề môi trường, 3 con gái tôi đều theo nghề của bố mẹ. Hằng ngày, các cháu làm nhiệm vụ quyét dọn đường phố, còn tôi làm nhiệm vụ xử lý rác ở khe Đá Mài.