Những ngày gần tới Tết Nguyên đán, cảng Đa Phúc - cảng đường sông duy nhất trên địa bàn tỉnh lại trở nên nhộn nhịp khác thường.
Điều dễ hiểu là khi hoạt động vận tại đường bộ bị siết chặt thì vận tải đường thủy sẽ là giải pháp hữu hiệu được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Hơn nữa, đây là thời điểm mà hàng hóa thông thương nhiều hơn ngày thường.
Có mặt tại một số điểm bốc, xếp hàng hóa trong cảng Đa Phúc những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí hoạt động nhộn nhịp hiếm thấy. Trên sông, tàu thuyền, xà lan đậu kín. Hàng chục máy tời, băng chuyền được đấu nối từ trên bến xuống khoang tàu để hút hàng. Xe vận tải lớn, nhỏ xếp thứ tự nối đuôi nhau vào "ăn hàng". Tiếng máy nổ, tiếng băng tải rung và cả tiếng còi tàu thủy, tạo thành một mớ âm thanh mà chỉ thấy ở các công trường tấp nập. Ở đây, hàng hóa chính được bốc, xếp là nguyên liệu đầu vào, vật liệu xây dựng và các sản phẩm đầu ra của ngành công nghiệp như: Quặng sắt, xi măng, cát, sỏi, than, clanhke, thạch cao và các loại phụ gia khác. Hàng hóa giao dịch ở đây thường là hàng hai chiều, chiều xuống chủ yếu là than, clanhke, quặng sắt và chiều lên là xi măng, cát, sỏi, thạch cao, nguyên liệu luyện kim... Theo chủ cơ sở bốc xếp hàng hóa Dung Quang thì so với cùng kỳ năm trước, thời điểm này hàng hóa vào ra cảng nhiều hơn. Có lẽ, do vận tải đường bộ đang quá tải, thị trường có xu hướng ấm dần và tâm lý chung của các doanh nghiệp là mong sớm hoàn thành khối lượng công việc trước Tết...
Năm 2014 và cả năm 2015, khi tỉnh ta đã và đang tập trung triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, một số nhà máy đã chính thức đi vào sản xuất ổn định thì hoạt động bốc, xếp, vận tải hàng hóa ở cảng Đa Phúc mới trở nên tấp nập. Trong gần chục điểm bốc xếp hàng hóa tại bến cảng thì Công ty TNHH Thắng Lá là đơn vị có vị trí bến bãi thuận lợi nhất, nằm bên bờ trái của sông Công, giáp với khu vực cầu Đa Phúc và chỉ cách Quốc lộ 3 cũ chừng 200m. Bến có tổng diện tích 7.500m2, trong đó có 2.500m2 được xây dựng làm khu vực bốc, xếp và vận tải, diện tích còn lại là khu tập kết hàng hóa chờ luân chuyển. Phạm vi vùng nước của bến cảng có chiều dài 100m dọc theo bờ, chiều rộng 10m tính từ mép bờ trở ra. Khả năng tiếp nhận các loại phương tiện đường thủy của bến với mức nước đầy tải lên tới 1,5m, dễ dàng cho các tầu, thuyền, xà lan ra vào hoạt động. Khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty đang đôn đốc công việc tại bến. Ông Thắng cho hay, thời điểm này, trực tiếp người đứng đầu doanh nghiệp phải thường xuyên có mặt sát sao với công việc thì mới không để chậm hàng, thiếu hàng của khách. Tuy là điểm chuyên bốc, xếp hàng hóa thông thường, nhưng đơn vị rất quan tâm đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng công suất bốc, xếp. Hiện, Công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống băng tải hiện đại nhất cùng một dây chuyền tiếp nhận, chuyển hàng quy mô lớn chuyên để phục vụ hàng hóa là xi măng và clanhke.
Hiện nay, tại cụm cảng Đa Phúc đang có 8 bến bãi được cấp phép và đang hoạt động khá hiệu quả. Theo khảo sát của chúng tôi, trung bình mỗi tháng, mỗi điểm bốc, xếp hàng hóa tại đây quản lý, khai thác từ 25 nghìn đến 30 nghìn tấn hàng hóa vào ra. Lúc cao điểm như dịp này thì lượng hàng bốc, xếp, vận tải từ mối điểm phải lên tới 40 nghìn đến 50 nghìn tấn. Riêng đối với một số bến cảng thuận lợi như của Công ty TNHH Thắng Lá thì số lượng có thể đạt đến 60 nghìn tấn/tháng. Đây là đơn vị hoạt động có uy tín nhiều năm nên được không ít bạn hàng tin tưởng ký hợp đồng dài hạn. Điển hình như Công ty Kinh doanh than Bắc Thái, các nhà máy xi măng quy mô lớn như Quang Sơn, La Hiên, Quan Triều và khoảng 15 đơn vị khác thường xuyên có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường sông.
Ở thời điểm "nước sôi, lửa bỏng" này, một số điểm bốc, xếp hàng hóa tại cảng Đa Phúc đã thực hiện luôn cả nhiệm vụ vận tải hàng đến và đi nhằm đảm bảo tiến độ cho các chủ hàng. Đơn vị ít cũng có từ 2 đến 4 xe vận tải, đơn vị nhiều thì 8 đến 10 xe. Anh Phùng Đình Hậu, lái xe tại điểm bốc xếp Mùa Xuân cho hay, việc vận chuyển hàng hóa tại đây là rất thuận lợi bởi có hệ thống băng tải, máy xúc, máy ngoạm hoạt động tích cực. Việc giao, nhận hàng cũng theo một quy trình bài bản, khoa học nên dù có đông xe ra vào, hàng hóa vẫn không chị ùn tắc.
Theo cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên thì khu vực cảng Đa Phúc đang được xem là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh. Cảng đường sông này gắn kết với các cảng đường thủy nội địa khác, tạo ra một hệ thống liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Các điểm bốc xếp hàng hóa hoạt động trong cảng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Do vậy, việc tiếp tục quan tâm, đầu tư và khai thác hiệu quả tại đây sẽ giúp tỉnh cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu, cả về kinh tế, an sinh xã hội và vấn đề quá tải giao thông.