Trong đại dương bao la, bão tố phong ba luôn rình rập, con tàu của những ngư dân mỏng manh như chiếc lá, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi ấy, hình ảnh những con tàu cứu nạn sơn mầu vàng cam đã mang lại cho họ niềm hy vọng mạnh mẽ, là cứu tinh giữa lằn ranh cận kề cái chết. "Chúng tôi chỉ mong một ngày không xa, đội tàu cứu nạn của trung tâm sẽ luôn sát cánh với người đi biển mỗi khi họ cần, giúp họ yên tâm vươn khơi trên suốt hải trình" - một "lính cứu nạn" trên tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) tâm sự
Cứu nạn ở Hoàng Sa
9 giờ 7 phút ngày 31-8-2014, dù đang trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, nhưng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải vẫn duy trì ứng trực 100% quân số. Trong phòng trực ban của Vietnam MRCC, chuông điện thoại reo gấp gáp. Tin khẩn cấp báo về: Tàu cá KH 94969 TS có chín thuyền viên, do ông Phan Hoan, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng, hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa gặp sự cố hỏng máy không khắc phục được. Trong điều kiện sóng to gió lớn, lương thực, nước ngọt cạn dần, các thuyền viên trên tàu hoảng loạn và kiệt sức. Để bảo toàn tính mạng chín thuyền viên, lập tức, tàu cứu nạn SAR 412 nhận lệnh xuất kích. Vượt trùng khơi sau hơn mười tiếng, tàu SAR 412 đã tiếp cận được tàu, chăm sóc sức khỏe các thuyền viên và hỗ trợ lai dắt tàu cá về bờ. Gần hai ngày sau, chín thuyền viên đã bước lên cầu cảng tại Đà Nẵng trong niềm vui khôn xiết của những người thân đang mỏi mắt chờ ngóng.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Leo cùng bảy ngư dân trú Bình Sơn (Quảng Ngãi) trên tàu QNg 55985 TS, sẽ chẳng bao giờ quên ngày 12-11-2014. Bởi, đó là ngày tính mạng tám ngư dân này được tàu cứu nạn Vietnam MRCC giành lại từ tay thủy thần. Khi khai thác thủy sản ở gần đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa), tàu bị gãy trục láp máy.
Do gió lớn cấp 7, sóng cao 3 đến 4 m, tàu có nguy cơ chìm bất cứ lúc nào. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, tàu cứu nạn SAR 412 đang thường trực tại cầu cảng Đà Nẵng lập tức lên đường. Gần một ngày đêm vật lộn với sóng to gió lớn, đến 15 giờ 15 phút ngày 13-11, tàu SAR 412 phát hiện và tiếp cận tàu cá. "Các thuyền viên trên tàu lúc đó gần như kiệt sức, chúng tôi đã đưa họ cùng tàu về Bình Định an toàn" - một thuyền viên trên tàu SAR 412 kể.
Năm 2014, với "lính cứu nạn hàng hải", là một năm bận rộn với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại vùng biển Hoàng Sa. "Điều băn khoăn, trăn trở nhất của chúng tôi là mặc dù Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chúng ta, tàu thuyền gặp nạn ở đó, nhưng trước đây thường phải nhờ Trung Quốc hỗ trợ, do năng lực vươn khơi của tàu cứu nạn chưa đáp ứng được" - Tổng Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ chia sẻ. Trong hoạt động phối hợp cứu nạn với Trung Quốc, một số vụ việc đạt kết quả tốt, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp, sau khi đưa vào đảo Phú Lâm, chính quyền Trung Quốc đã phạt, tịch thu hải sản, ngư lưới cụ, thậm chí yêu cầu trả tiền cứu hộ,... Năm 2013, hầu hết các vụ tai nạn ở Hoàng Sa, ngư dân đều từ chối vào đảo Phú Lâm. Vietnam MRCC đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn tại Hoàng Sa và được Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiệt tình ủng hộ. Ngày 30-5-2014, Bộ trưởng Giao thông vận tải ký quyết định phê duyệt đề án nâng cao năng lực phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các tổ công tác đặc biệt của Vietnam MRCC đã nghiên cứu khí tượng, thủy văn, hải đồ chi tiết khu vực Hoàng Sa; hoán cải phương tiện cứu nạn, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động cứu nạn tại Hoàng Sa. Câu chuyện hoán cải phương tiện cứu nạn mới nghe tưởng đơn giản nhưng hóa ra phức tạp hơn nhiều.
Tàu loại 41 m (tàu lớn nhất) của trung tâm chỉ đủ tầm hoạt động trong vòng 250 hải lý, chưa vươn được tới Hoàng Sa. Trong điều kiện nguồn lực không đủ đầu tư phương tiện lớn, chỉ còn cách nâng cao tầm hoạt động của tàu 41 m. Tuy nhiên, hãng Đa-men, Hà Lan thiết kế đóng loại tàu này cho biết, việc gia công thêm két nhiên liệu không khả thi, do ảnh hưởng lớn đến tính năng hoạt động của tàu, phải nằm trên đà dài ngày và chi phí hoán cải mỗi tàu khoảng 100 nghìn ơ-rô (gần ba tỷ đồng). Không chịu thua cuộc, máy trưởng tàu SAR 412 Nguyễn Tùng Sơn đã tìm tòi, hoán cải két chứa nước thải sinh hoạt hơn 6,2 m 3 thành két chứa nhiên liệu, với chi phí chỉ gần 100 triệu đồng, giúp tàu tăng hơn 20% dung tích nhiên liệu, nâng tầm hoạt động thêm 100 hải lý, ảnh hưởng rất ít đến kết cấu, tính năng hoạt động của tàu. Nhờ vậy, trong năm 2014 tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa xảy ra 23 vụ tai nạn, Vietnam MRCC đã cứu nạn thành công toàn bộ, với 121 người. Nhiều ngư dân khi trở về an toàn, xúc động nói: Được sự hỗ trợ của lực lượng cứu nạn, chúng tôi càng hiểu rõ, chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, tàu thuyền chúng tôi hoạt động ở đâu vẫn tin tưởng và vững tâm. Việc hoán cải thành công két chứa nhiên liệu đã tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho Nhà nước, giúp tàu loại 41 m nâng cao năng lực hoạt động cứu nạn tới khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và toàn bộ vùng trách nhiệm của Việt Nam.
Hóa giải những tuyệt vọng
Phòng Phối hợp cứu nạn của Vietnam MRCC, nơi tiếp nhận và xử lý tin báo nạn bất kể lúc nào cũng có người trực 24/24 giờ. Căn phòng rộng khoảng 20 m 2 , ken dày các loại thiết bị như iCom, điện thoại vệ tinh, máy tính nối mạng in-tơ-nét,... "Đối với bất cứ loại tai nạn, sự cố hàng hải nào, không phân biệt quy mô, tính chất, nguyên nhân hay đối tượng bị nạn, nhiệm vụ của chúng tôi là phải tổ chức ứng cứu bằng tất cả khả năng có thể" - Tổng Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ khẳng định. Trên những con tàu cứu nạn túc trực ngoài cầu cảng, cũng duy trì quân số ứng trực 24/24 giờ, có lệnh là xuất phát, không thể chậm dù là một phút. Trên tàu, gần như các thuyền viên không thể nấu ăn mà phải sử dụng đồ hộp, lương khô. Họ thật sự là những "người lính thiện chiến", được đào tạo cơ bản, có chế độ huấn luyện rất công phu, được học võ, thực hiện các bài tập chống chịu sóng gió, ứng phó sự cố giả định. Vậy mà, khi ra giữa trùng khơi, gặp sóng lớn trùm qua tàu, một số thuyền viên vẫn bị say sóng. Có anh máy trưởng phải treo toòng teng cái xô trước ngực khi làm việc trong buồng máy, lúc ói chỉ việc cúi đầu xuống... cho tiện. Cách đây hơn nửa tháng (ngày 2-1), khi cứu nạn tàu Bulk Jupiter (quốc tịch Ba-ha-mát), các thuyền viên tàu SAR 413 Vietnam MRCC đã lường trước những khó khăn, mệt mỏi trên đường, nấu một nồi cháo đem theo, vậy mà ba ngày trên biển ăn vẫn không hết. Tổng Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ kể lại: Khi anh em trở về, tôi ra tận cầu cảng đón. Nhìn thấy Tổng Giám đốc, mà anh em thuyền viên không ai đủ sức nở một nụ cười thay lời chào vì quá mệt. Vị bếp trưởng tàu Bulk Jupiter (một người theo đạo Thiên chúa) được cứu sống đã xúc động phát biểu: Hôm nay là ngày của tôi, không phải ngày của Chúa. Tôi đã quá may mắn, nhờ những thủy thủ dũng cảm này! Sự mệt mỏi, kiệt sức của các thuyền viên sau những giờ vật lộn với sóng gió đã đem lại nụ cười, niềm vui khôn tả cho những người được cứu sống.
Hằng năm, Vietnam MRCC thu nhận và xử lý 200 đến 250 vụ việc liên quan tai nạn, sự cố hàng hải, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các nước trong khu vực đã công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát triển nhanh và hoạt động hiệu quả cao. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Vũ vẫn trăn trở: "Chiếc áo" chức năng của trung tâm được xây dựng từ ngày thành lập đã trở nên quá "chật" so với những yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đơn cử, Trung tâm chưa có chức năng xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Để cứu nạn trên biển kịp thời, có hiệu quả, Trung tâm phải huy động các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực. Nhưng nếu phương tiện nào không chịu tham gia, chúng tôi cũng không có thẩm quyền xử lý. Trong tình huống nguy hiểm, cần buộc thuyền viên gặp nạn rời tàu, nhưng thuyền viên không chấp hành, cũng không có chế tài xử lý. Giữa biển khơi, không có "thượng phương bảo kiếm" để xử lý những tình huống phát sinh, rất có thể hoạt động cứu nạn không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều quốc gia đã đưa vào luật quy định về tìm kiếm thi thể người bị nạn, bởi không thể tư duy máy móc chỉ tìm kiếm, cứu nạn người còn sống. Nhiều vụ tai nạn xảy ra, biết rõ nạn nhân đã chết, nhưng việc tìm kiếm thi thể là hoạt động nhân đạo, cần được luật hóa. Hiện nay, có một số vụ tai nạn, Vietnam MRCC vẫn tổ chức tìm kiếm thi thể nạn nhân, nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể. Để công tác tìm kiếm, cứu nạn hiệu quả nhất, phải có thẩm quyền, tính chủ động cao hơn.
Lúc 13 giờ 39 phút ngày 17-1, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) khu vực II nhận được thông tin: Tàu BĐ 96981 TS do ông Nguyễn Văn Toản là thuyền trưởng, quê xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy không khắc phục được từ lúc 4 giờ 30 phút ngày 17-1, tàu ở vị trí có tọa độ 16 o 38 độ vĩ bắc, 108 o 38 độ kinh đông (cách mũi Đà Nẵng 38 hải lý), trên tàu có 12 thuyền viên. Tàu trôi dạt trong điều kiện gió đông bắc giật cấp 7, cấp 8; tinh thần thuyền viên hoảng loạn, yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Vietnam MRCC đã điều động tàu SAR 274 tại TP Đà Nẵng đi cứu nạn. Đến 18 giờ cùng ngày, tàu cứu nạn đã tiếp cận tàu BĐ 96981 TS, 2 giờ sáng 18-1, tàu cứu nạn đưa 12 ngư dân về TP Đà Nẵng. Ngay những ngày đầu năm 2015, trong điều kiện sóng gió hết sức khắc nghiệt, lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc Vietnam MRCC đã tìm kiếm cứu nạn năm vụ, cứu 27 người.
Hiện tại, Vietnam MRCC có bốn trung tâm khu vực đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu, quản lý bảy tàu cứu nạn chuyên dụng (trong đó, bốn tàu loại 27 m, ba tàu loại 41 m). Vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam dài 3.260 km và hơn một triệu km 2 thềm lục địa, có nhiều đảo, quần đảo cách xa bờ.