“Tôi luôn tâm niệm: Cho đi là còn mãi, ăn bao nhiêu thì cũng hết. Còn nghĩa là đọng lại điều tốt đẹp trong lòng mọi người, đấy là tài sản giá trị nhất, để lại tiếng thơm cho con cháu”…
Ông Nguyễn Văn Sáu, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) bày tỏ quan điểm như vậy khi chia sẻ với chúng tôi về khoản tiền trên 120 triệu đồng ông rút tiết kiệm để ứng cho xóm làm đường bê tông, xây Nhà văn hóa.
Tết đã gần kề, những chuyến xe chở nông sản ra, vào xóm Ấp Thái càng thêm nhộn nhịp, tiếng cười nói của kẻ mua, người bán xôn xao. Bà Thái Thị Bình không giấu niềm vui nói: “Năm nay, táo được mùa, thuận đường, tư thương vào tận nơi thu mua, nên ba vụ nay, năm nào gia đình cũng thu được trên 100 triệu đồng”. Còn bà Ân Thị Út thì tất bật thu hoạch những lứa rau thơm đầu tiên của vụ đông xuân, cho biết: “Mấy năm nay, tôi phải chống chọi với bệnh tật, nên lâm vào tình cảnh nghèo khó. Từ năm 2010, tôi được tập huấn về cách “trồng rau đặc sản vùng ven đô thị” nhưng loay hoay mãi không tìm được thị trường ổn định, đường sá đi lại khó khăn, hễ nắng thì bụi, mưa thì lầy, úng nên thu nhập bấp bênh. Hai năm trở lại đây, nhờ có con đường bê tông liên xóm nối với Quốc lộ 1B, nên vào vụ, các nhà hàng đã tìm đến tận vườn đặt mua rau. Gia đình chỉ có hơn 2 sào ruộng, nhưng riêng vụ rau Tết thu được trên 7 triệu đồng, gấp 5 lần cấy lúa”. Phấn khởi hơn là gia đình ông Nguyễn Văn Toản mới tổ chức đám cưới cho con tại khuôn viên Nhà văn hóa xóm. Ông chia sẻ: Vì sân nhà hẹp, vườn cây lại đang vào vụ, phá đi không đành. May mà có Nhà văn hóa xóm nên gia đình tôi đã mượn để tổ chức tiệc, vừa sạch sẽ, lại khang trang, rộng rãi”.
Sải bước cùng chúng tôi trên con đường bê tông liên xóm, với chiều dài gần 3km, đồng chí Nguyễn Văn Lộ, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: “Những năm 2010 về trước, Ấp Thái còn là xóm khó khăn, vì đây là xóm thuần nông, có đến 30% số hộ nghèo. Cái nghèo kéo theo cả tư duy cũng luẩn quẩn, hạn hẹp, ai cũng chỉ lo sao cho đủ bữa ăn thường nhật. Khi có chủ trương làm đường bê tông theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng tôi đi vận động gặp rất nhiều khó khăn. Thế rồi Chi bộ phải bàn bạc kỹ, vận động đảng viên trước, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong đóng góp theo mức quy định, tiếp đó là tự nguyện góp thêm, rồi gia đình có điều kiện hơn thì cho hộ nghèo mượn tiền để đối ứng…
Cũng trong thời điểm thực hiện chương trình làm đường, xóm nhận được kế hoạch làm Nhà văn hóa theo chương trình xây dựng nông thôn mới, cần có sự đóng góp đối ứng của nhân dân. Nếu không huy động được nguồn đối ứng thì sẽ mất cơ hội. Đồng chí Bí thư trầm ngâm nhớ lại: “Nhà tôi cũng chẳng khá gì, 7 nhân khẩu mà chỉ có nguồn lương hưu của tôi, còn lại trông vào sản xuất nông nghiệp. Tôi đắn đo mãi rồi bàn với bà xã lấy “sổ đỏ” (Chứng nhận quyền sử dụng đất) thế chấp ngân hàng để ứng trước tiền cho xóm đối ứng làm đường. Chứng kiến cảnh bà Út oằn mình lội bùn, dầm mưa đẩy xe rau ra chợ mỗi sớm; bao đứa trẻ lấm lem bùn đất khi đến lớp học… bà nhà tôi đã đồng tình”. Khoản tiền 50 triệu đồng đầu tiên được gia dình đồng chí Lộ giao nộp trong sự chứng kiến của bà con nhân dân đã khích lệ phong trào hiến đất, góp tiền đối ứng của các hộ có điệu kiện kinh tế khá hơn. Kết quả năm 2010, xóm đã huy động được trên 200 triệu đồng gồm cả tiền mặt và đất hiến để làm đường. Đến nay, trên 3km đường quanh xóm và đường nội đồng đã được bê tông; toàn bộ đường dân cư được kéo điện thắp sang, bảo đảm an toàn giao thông, trong đó nhân dân đóng góp được gần 1 tỷ đồng. Bước sang năm 2013, khi xây dựng Nhà văn hóa, xóm còn thiếu trên 100 triệu đồng, nhưng đã hết nguồn huy động. Chi bộ xóm lại họp với các tổ chức đoàn thể phát động phong trào. Đồng chí Bí thư Chi bộ nhớ lại: “Đêm đó, sau khi tan họp, cụ Nguyễn Văn Sáu - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm nán lại tâm sự với tôi: “Năm nay, tôi đã gần 80 rồi, dù gia đình còn khó, nhưng tôi có dành được ít tiền để phòng dưỡng bệnh lúc tuổi già. May thay trời phú cho sức khỏe, nên tôi bình an. Giờ xóm gặp khó thì tôi đi rút tiết kiệm về ứng trước toàn bộ 120 triệu đồng, không tính lãi. Sau bà con làm ăn được thì trả dần cho tôi. Bà con lối xóm ta đều vất vả, nhưng đoàn kết thân thiện, chia sẻ với nhau khó khăn, sẵn sàng hiến đất để làm đường, làm thủy lợi… xóm ta mới được như hôm nay. Tôi luôn tâm niệm: Cho đi là còn mãi, ăn bao nhiêu thì cũng hết…” Rồi hôm sau cụ cùng cán bộ xóm ra ngân hàng rút tiền để xây Nhà văn hóa”. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2014, công trình Nhà văn hóa rộng trên 400m2 đã được hoàn thiện; 3,5km kênh mương tưới tiêu và xử lý nước thải vệ sinh môi trường (nhân dân hiến gần 2.000m2 đất) cũng được đưa vào sử dụng.
Ấp Thái hôm nay đã có nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn mới đang hiện hữu nơi đây. Bằng nội lực và các nguồn vốn Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đời sống nhân dân đã có chuyển biến tích cực: Xóm đã xây dựng được ô mẫu thâm canh đạt giá trị sản xuất nông nghiệp trên 120 triệu đồng/ha, từ luân canh cấy lúa, kết hợp trồng ngô nếp, rau ngắn ngày…; nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả, như: nhãn, táo, vải, ổi… cho thu nhập bình quân trên 300 triệu/ha. Thuận tiện giao thông; cùng với việc bà con nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nên giá trị hàng hóa nông sản được nâng lên. Đến nay, mỗi năm xóm Ấp Thái cung cấp ra thị trường hàng chục tấn hoa qủa các loại. Đến nay, Ấp Thái chỉ còn 1% số hộ nghèo, thu nhập bình quân mỗi nhân khẩu đạt trên 25 triệu đồng/năm. Sự đổi thay ấy có một phần không nhỏ từ sự mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm của bà con; trong đó có một số cá nhân đã hy sinh quyền lợi cá nhân cho cộng đồng.