Trải nghiệm từ kinh doanh

17:24, 08/01/2015

Ngoài thời gian học trên lớp, nhiều bạn sinh viên (SV) đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình với mong muốn kiếm thêm thu nhập hoặc để trải nghiệm, rèn luyện bản thân. Từ những ý tưởng khác nhau, nhiều SV đã lựa chọn cho mình hình thức kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với số vốn ít ỏi của mình.

Là SV sống xa nhà, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên Vũ Hồng Ngọc, lớp Địa C K45, Trường Đại học Sư phạm đã bắt đầu kinh doanh ngay từ khi còn là SV năm thứ nhất để giảm bớt gánh nặng cho gia đình bằng cách bán quần áo thời trang qua mạng Internet. Nói về công việc của mình, Ngọc cho biết: “Thời gian đầu kinh doanh, mình gặp một chút khó khăn, bởi phải đảm bảo được thời gian tới trường cũng như cố gắng duy trì được kết quả học tập tốt. Mình thường phải chạy đi chạy lại nhiều nơi để có thể kiếm được nguồn hàng rẻ, đẹp, phù hợp với các bạn học sinh, SV. Vốn ít nên phải lấy công làm lãi, chờ khách đặt mẫu từ gian hàng trên mạng rồi mình mới lấy hàng về. Thông thường mình tập trung một lượng hàng của khách thành 1 đợt rồi đi lấy tại các khu đầu mối như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân (Hà Nội) rồi chuyển về tận nơi cho họ. Vất vả nhưng mình thấy vui vì phần nào trang trải được cuộc sống SV, đỡ đần giúp bố mẹ.

 

Sau hơn 3 năm kinh doanh quần áo thời trang qua mạng, Ngọc đã tích lũy được một khoản vốn nhỏ, có được nhiều kinh nghiệm, mối lấy hàng tốt và được nhiều người biết đến. Tháng 6 năm 2014, Ngọc mạnh dạn vay thêm tiền của bố mẹ để mở một cửa hàng quần áo thời trang nữ (tại số 72, đường Lương Thế Vinh, thành phố Thái Nguyên). Với số tiền đầu tư trên 70 triệu đồng, hiện, thu nhập mỗi tháng trừ chi phí, cô chủ nhỏ này cũng thu về từ 6 đến 8 triệu đồng. Cửa hàng của Ngọc giờ là địa chỉ được nhiều bạn trẻ biết và tìm đến. Trong khi đó, những năm qua, kết quả học tập của Ngọc vẫn được duy trì ở mức khá.

 

Còn bạn Hoàng Thị Quỳnh Như, lớp Toán A K44, Trường Đại học Sư phạm lại có ý tưởng độc đáo là mở dịch vụ “cơm sinh viên” ngay tại phòng trọ. Có sở thích nấu ăn và muốn trải nghiệm kinh doanh, Như rủ bạn cùng phòng lên kế hoạch mua thực phẩm ngoài chợ rồi mang về chế biến. Như chủ yếu nấu theo yêu cầu của khách, là những bạn SV học cùng lớp, cùng xóm trọ rồi mang đến tận nơi cho họ. Nhờ tài nấu ăn ngon, giá mỗi suất cơm lại chỉ từ 10 đến 15 nghìn đồng, phù hợp với các bạn SV nên dịch vụ nhỏ của Như được khá nhiều bạn trong khu ký túc xá Trường Đại học Sư phạm biết đến. Cô bạn còn mở một gian hàng online tại trang mạng xã hội Facebook để quảng cáo về “quán cơm sinh viên” của mình. Như vui vẻ cho hay: Trung bình mỗi ngày bán được từ 30 đến 35 suất cơm, mình thu 150 đến 200 nghìn đồng tiền lãi. Tuy nhiên, Như cũng gặp không ít bất tiện do phòng trọ nhỏ, chỉ rộng 20m2 nên việc nấu ăn khá khó khăn. Công việc chiếm nhiều thời gian khiến sau này Như phải cân đối lại việc học rất nhiều mới theo kịp chương trình học trên lớp.

 

Không chỉ có nữ sinh mà cả các nam SV cũng tham gia kinh doanh. Đào Tiến Dũng, lớp Điện tử truyền thông K11A, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông có sở thích kinh doanh từ khi còn học trung học phổ thông. Ngay từ những ngày đầu mới nhập học, ngoài công việc bài vở và lên lớp, Dũng tranh thủ lang thang khắp các ngõ ngách ở gần trường mình học kinh doanh. Dần dà từ những nhu cầu thiết thực của các bạn SV đồng trang lứa, Dũng quyết định mở một quán trà đá nhỏ ở cạnh trường chỉ với vài bộ bàn ghế nhựa và một bộ ấm chén nấu trà. Dũng còn chủ động tìm nguồn trà ngon và sạch tại vùng chè Tân Cương nổi tiếng để phục vụ khách hàng. Dũng chịu khó, quyết tâm kiếm tiền để đỡ đần cho bố mẹ ở quê. Có thời gian là Dũng tập trung cho quán nước của mình, khi phải lên lớp thì Dũng nhờ bạn hoặc thuê người bán hộ.

 

Cuối cùng, Dũng cũng đạt được một dấu mốc thành công nhỏ. Bạn bè những lúc rảnh rỗi thường ghé qua quán nước của Dũng uống trà đá, cắn hạt hướng dương. Dần dần, quán nước của cậu SV này đã lôi cuốn được nhiều các bạn SV lui tới. Những ngày cuối tuần, quán trà đá của Dũng nườm nượp khách không kém gì những quán cà phê sang trọng bên cạnh. Tuy nhiên, bên cạnh thành công trong việc kinh doanh nhỏ này thì Dũng lại lơ là, sao nhãng chuyện học hành dẫn đến việc phải dùng chính những đồng tiền lãi từ việc kinh doanh để đóng tiền học lại 8 môn học của học kỳ vừa qua. “Mặc dù kinh doanh nhưng các bạn trẻ phải tính toán khoa học để vừa cân đối được thời gian học và làm thêm, nhưng luôn phải xác định nhiệm vụ học tập là hàng đầu”, Dũng chia sẻ với sự tiếc nuối.

 

Dẫu biết kinh doanh từ nguồn vốn nhỏ của các bạn SV dù thành công hay thất bại thì cũng giúp họ được trải nghiệm, tích lũy kĩ năng, rèn luyện bản thân để trưởng thành hơn. Nhưng SV cần xác định được ranh giới để cân bằng giữa việc học tập và kinh doanh của mình.