Nhiều người cho rằng, giới trẻ ngày nay sống vô tâm, hời hợt; chỉ mải mê đắm chìm trong game, mạng xã hội mà ít quan tâm đến nhau…
Nhưng khi chúng tôi gặp những bạn trẻ được đề cập trong bài viết này, suy nghĩ của chúng tôi đã có sự thay đổi, vì họ là những thanh niên sống nhiệt tình, có trái tim nhân ái.
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
“Tiếc quá, bạn không đi cùng nhóm thiện nguyện của chúng mình vào đêm Noel vừa qua, chúng mình đã đi thăm, tặng quà những cụ già neo đơn, vô gia cư, những em bé không cha, không mẹ, co ro trong giá lạnh, phải đi xin ăn qua ngày ở một số điểm của T.P Thái Nguyên”. Bạn Vũ Thạch An, chuyên viên Công nghệ thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) nói với tôi. Mấy năm nay, An cùng các bạn trẻ tham gia nhiều chương trình tình nguyện do các nhóm trực tiếp phát động qua sinh hoạt nhóm, hay đăng trên mạng xã hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những điểm trường thiếu thốn nơi vùng cao.
Có nhiều kỷ niệm khiến An không thể nào quên, đơn cử năm 2014, An cùng các bạn ở nhiều nhóm từ thiện, nhà hảo tâm của nhiều địa phương, cùng đồng cảm và giúp đỡ hoàn cảnh cụ Vọng, 75 tuổi ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong (Phổ Yên). Cụ có con gái tên Oanh bị mù loà và thần kinh không ổn định. Nhìn cảnh cụ Vọng tuổi cao vẫn phải chăm sóc, lo lắng cho cô con gái ai cũng xót thương. Ngay sau đó, các bạn đã kêu gọi các cá nhân, tập thể, nhà hảo tâm ủng hộ nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt, như chăn màn, bàn, ghế, góp tiền để giúp cụ xây nhà vệ sinh, buồng tắm, chuồng gà, sân, cổng. An bảo: Công trình hoàn thành khiến chúng mình rất vui. Nhiều bạn nữ đã tình nguyện xuống ở cùng cụ Vọng vài hôm, chơi với cô Oanh, kể chuyện và hát cho cô nghe, cô ấy vui lắm.
Gần đây nhất, đọc được thông tin đăng trên Báo Thái Nguyên về hoàn cảnh anh Nguyễn Thế Bắc, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), người mang trong mình khối u 10kg, nạn nhân của chất độc da cam, các bạn trẻ cũng đã kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm từ thiện, trao nhiều phần quà và tiền, giúp anh thêm chi phí điều trị căn bệnh quái ác.
An giới thiệu với tôi về bạn Từ Anh Tuấn, sinh năm 1990, hiện là cán bộ tư pháp hộ tịch phường Quán Triều (T.P Thái Nguyên), “thủ lĩnh” Câu lạc bộ (CLB) Tình nguyện xanh Thái Nguyên. CLB đã tổ chức chương trình nấu cháo tình thương 1-2 lần/tháng cho các bệnh nhân ở Khu điều trị bệnh phong Tân Kim (Phú Bình).
Cũng như Tuấn, Bùi Thị Hồng Tươi, sinh năm 1993, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Khoa học xanh, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã tham gia rất nhiều chương trình tình nguyện của Đoàn Trường phát động như Đông ấm vùng cao tại Chợ Đồn, Bắc Kạn; Tiếp sức mùa thi; Hành trình Khuôn Ngục, tại xã La Hiên (Võ Nhai)…
Còn nhiều lắm những bạn trẻ mà tôi gặp, tôi biết, họ là sinh viên, là chủ một doanh nghiệp trẻ, hay công chức, viên chức… nhưng đều có điểm chung là lòng nhân ái. Nghe câu chuyện của các bạn trẻ, tôi thấy ngọn lửa nhiệt huyết tình nguyện và lòng nhân ái cao đẹp của họ. Tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người với người sống để yêu nhau và Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Đam mê nghệ thuật
Một ngày cuối năm 2014, tôi tình cờ ngồi ở quán cà phê 35, phường Thắng Lợi (T.X Sông Công), dự sinh nhật 1 năm và lễ ra mắt CLB Guitar - Sáo trúc do các bạn trẻ Sông Công tổ chức. Thành phần tham dự, có bạn đang là học sinh cấp 2, có bạn là sinh viên các trường cao đẳng, đại học, đa phần là thế hệ 9X và 8X. Thả hồn theo những điệu sáo trúc độc tấu, song tấu nhẹ nhàng như “Xuân về trên bản Mèo”, “Ánh trăng nói hộ lòng tôi”, “Giấc mơ trưa”…, tôi thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Cùng ngồi nghe, anh Phạm Văn Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật T.X Sông Công bảo: Tôi thực sự bị cuốn hút khi nghe các em chơi nhạc. Giới trẻ hiện nay có nhiều cái để đam mê nhưng hướng các em đến văn học, nghệ thuật không chỉ làm gần gũi, thân thiện mà còn giúp các em tránh xa văn hoá độc hại, ngoài luồng. Mặc dù phong cách biểu diễn của các em chưa chuyên nghiệp, chưa có chiều sâu nghệ thuật nhưng chứa chan cảm xúc và làm lay động trái tim tôi. Với tư cách là một bậc phụ huynh tôi thực sự hài lòng và ủng hộ CLB. Mong rằng, CLB sẽ phát triển mạnh hơn, thu hút đông đảo hội viên và có chất lượng âm nhạc cao hơn. Tôi hứa cũng sẽ hướng các cháu về những ca khúc dân gian, hay những tác phẩm nhạc kinh điển của các nhạc sĩ nổi tiếng nước ngoài, cũng như hỗ trợ các em về nhạc lý, cách chơi đàn, hoà thanh.
Vừa bước xuống sân khấu, em Hoàng Trung Kiên, sinh năm 1995, Phó Chủ nhiệm CLB, hiện đang là sinh viên Khoa Kế toán, Trường Cao đẳng kinh tế tài chính Thái Nguyên bộc bạch: Từ khi đam mê sáo trúc, em đã dần từ bỏ game. Còn em Cao Thanh Tùng, học sinh lớp 8, Trường THCS Thắng Lợi hồn nhiên nói: Em tham gia CLB gần 2 tháng và thấy dần dần đam mê. Em đã biết thổi 5 bài sáo trúc.
Phạm Thành Nam, Chủ nhiệm CLB kể: CLB thành lập từ năm 2012, ban đầu chỉ có 4 người, đến nay đã thu hút được gần 30 thành viên. Việc thành lập CLB Guitar - Sáo trúc là tâm huyết của Nam. Với vai trò “thủ lĩnh”, Nam tự soạn giáo án để hướng dẫn cho thành viên trong mỗi giờ sinh hoạt. Nam cho biết thêm: “Các bạn đều thích sáo trúc, đàn guitar nhưng về kỹ thuật lấy hơi, đẩy hơi hay hòa thanh còn hạn chế, chưa nói đến thổi, chơi đàn làm sao cho có hồn. Nam mong muốn CLB sẽ được các nghệ sĩ, nhất là Hội Văn học Nghệ thuật T.X Sông Công giúp đỡ để CLB góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc!
Yêu mến, thích thú nhưng ngạc nhiên hơn khi tìm hiểu về các CLB nghệ thuật này, tôi được biết, toàn tỉnh có không ít những CLB âm nhạc được hình thành như thế, nhất là ở các trường đại học cao đẳng, thu hút đông đảo bạn trẻ học sinh, sinh viên tham gia, như: CLB Âm nhạc (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh); CLB Sáo trúc (Đại học Sư phạm Thái Nguyên), CLB Guitar (Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông), CLB Guitar Thái Nguyên…
Những bạn trẻ suốt ngày chìm đắm trong những thú giải trí không lành mạnh thì những người tôi đã có dịp gặp gỡ, chuyện trò đã cho tôi thêm yêu cuộc sống, họ đã, đang “sống đẹp” và truyền cảm hứng ấy đến với nhiều người.