Định hướng xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới

14:15, 27/02/2015

“Định hướng xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” là chủ đề hướng đến của Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức sáng 27/2, tại Hà Nội.

Những lý luận chặt chẽ về hệ giá trị con người, giá trị văn hóa Việt Nam cần được định hướng xây dựng trong giai đoạn mới đã được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo. Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng hệ giá trị của con người, của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phản ánh đúng được bản sắc giá trị của con người Việt Nam, phát huy những truyền thống tốt đẹp đã được hun đúc từ hàng nghìn năm của dân tộc, tiếp thu được những giá trị mới trong thời kỳ hội nhập, phá bỏ những mặt hạn chế về văn hóa, của con người; đồng thời phải dễ thực hiện, mang tính khả thi cao, sát với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, vấn đề văn hóa, con người được đặt ở vị trí rất quan trọng trong Văn kiện, do đó cần sớm nghiên cứu, tổng kết để hình thành cho được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

 

Phân tích hệ giá trị truyền thống Việt Nam và những tật xấu phát sinh, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trần Ngọc Thêm cho rằng từ sau đổi mới đến nay, khi sự xung đột giữa tính nông nghiệp - nông thôn trong truyền thống và tính công nghiệp - đô thị mà Việt Nam đang hướng tới trở nên nghiêm trọng thì hệ giá trị truyền thống càng biến động mạnh mẽ, các tật xấu càng trở nên phong phú, đa dạng và nghiêm trọng, chúng không chỉ là sự bức xúc của dân chúng mà trở thành nỗi lo thường trực trong các văn kiện và các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kết quả khảo sát điều tra về thực trạng biến động của hệ giá trị truyền thống do Giáo sư Trần Ngọc Thêm công bố cho thấy có tới 82,9% số phiếu cho rằng giá trị phổ biến là hạnh phúc gia đình, tiếp theo là việc làm ổn định (75,4%), công bằng xã hội (53,4%), giàu có (52,2%). Có 18 phẩm chất tốt đạt trên 30% số phiếu trả lời, đứng đầu là lòng yêu nước (70,8%), tiếp đến là tính đoàn kết (68,3%), lòng hiếu khách (66,3%), tính cộng đồng làng xã (65,9%), lòng nhân ái, thương người (61,9%).

 

Trong danh sách 15 tệ nạn đưa ra khảo sát, có 5 tệ nạn trầm trọng nhất chiếm trên 30% tổng số phiếu trả lời được xác định là: Tham nhũng (66,6%); quan liêu, cửa quyền (57,6%); hối lộ (42,4%); bạo hành, cướp giật (37,7%); cờ bạc, số đề (33,6%). Trong số 34 thói/tật/bệnh được điều tra, có 22 tật xấu chiếm trên 30% tổng số phiếu trả lời được xác định, đứng đầu bảng là bệnh thành tích (75,1%).

 

Trên cơ sở phân tích xu hướng biến động của giá trị thế giới và khu vực, hệ giá trị truyền thống Việt Nam và những biến động trong hiện tại cùng thể chế chính trị, bối cảnh trong tương lai, nhiều đại biểu cho rằng hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện bao gồm 35 giá trị. Trong đó, giá trị phổ biến bao gồm hạnh phúc, dân chủ, công bằng, pháp quyền (thuộc về tinh thần); việc làm, giàu mạnh (thuộc về vật chất). Giá trị đặc thù gồm các giá trị truyền thống được bảo tồn và tinh hoa nhân loại được bổ sung. Giá trị truyền thống được bảo tồn là tình đoàn kết, tính trọng thể diện, lòng biết ơn, tính tập thể, tính ưa ổn định, tính bao dung, tính trọng nghĩa tình, sức nhẫn nhịn, lòng hiếu khách, tính lạc quan, tính ưa thực tế, khả năng quan hệ tốt, tính kết hợp, tính sáng tạo, khả năng thích nghi cao, lòng yêu nước, lòng nhân ái. Tinh hoa nhân loại được bổ sung gồm tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân, tinh thần hợp tác, lòng tự trọng, tinh thần sẵn sàng từ chức, tính dám mạo hiểm, tính chuyên nghiệp, tính khoa học, tính phân tích, tính nguyên tắc, lòng trung thành, tính trung thực.

 

Hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện này đã tích hợp được hầu như toàn bộ 7 đặc tính cơ bản của con người mà Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã nêu ra: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, sáng tạo. Bốn đặc trưng văn hóa “dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học” cũng được thể hiện đầy đủ gồm: dân chủ; khoa học. Hai đặc trưng “dân tộc” và “nhân văn” đã được thể hiện trong một loạt giá trị truyền thống được bảo tồn. Toàn bộ các giá trị đặc thù trong hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện này được tổ chức xung quanh bốn đặc trưng bản sắc mới, phù hợp với yêu cầu của văn hóa và con người Việt Nam hiện đại: Tính cộng đồng xã hội, tính hài hòa thiên về dương tính, tác phong công nghiệp, tính linh hoạt trong nguyên tắc.

 

Để đưa hệ giá trị định hướng cốt lõi vào đời sống, đại biểu đã chọn ra một số giá trị cấp bách trọng điểm làm mục tiêu cụ thể, bao gồm 11 giá trị, gom lại thành 5 nhóm: dân chủ, công bằng và pháp quyền; nhân ái và yêu nước; trung thực và bản lĩnh; trách nhiệm và hợp tác; khoa học và sáng tạo. Nhiều đại biểu đề nghị cần đưa giá trị tự do và tôn trọng bởi đây là quyền rất quan trọng đã được Hiến định.

 

Các đóng góp tại Hội thảo sẽ được chắt lọc, tiếp thu, bổ sung vào báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới tổng kết 30 năm và báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Sau khi hoàn thiện, hệ giá trị con người, giá trị văn hóa sẽ được đưa vào đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đưa thành một nội dung tuyên truyền trong các cơ quan truyền thông và thảo luận trong nhân dân để sớm hiện thực hóa hệ giá trị./.