Da còn xanh mét, đi phải chống gậy, nhưng chị Vi Thị Hạnh đã yên tâm là mình không phải mang thương tật suốt đời.
Nói chuyện với chúng tôi, vợ chồng chị cứ nhắc đi nhắc lại: Bệnh viện đã cứu tôi từ cõi chết. Gia đình Vi Thị Hạnh và anh Phạm Trung Trường ở tổ 20 Phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) có hoàn cảnh khá khó khăn. Anh chị đều là lao động tự do, chủ yếu đi phụ hồ xây dựng, thu nhập thấp và bấp bênh. Anh Trường lại mắc bệnh khô gan, mỗi năm vài lần nằm viện. 4-5 triệu đồng hằng tháng kiếm được nuôi 2 con và thuốc thang chữa bệnh khiến cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Ấy vậy mà cuối năm 2014, một tai nạn khủng khiếp lại xảy đến với gia đình này.
Chị Hạnh kể:
- Lúc đó gần 11 giờ trưa, sau khi nhóm thợ bắc xong dàn giáo tầng 3, tôi trèo lên, kéo vữa chát. Tôi vừa bước lên dàn giáo thì “rầm”, cả dàn giáo đổ, tôi cũng lao xuống theo đống tre pheo sắt thép ấy và không biết gì nữa.
Tiếp lời vợ, anh Trường nhớ lại: Vợ tôi bất tỉnh, bên ngoài thì không thấy sây sát gì nhưng bụng thì to lên trông thấy. Sau tôi mới biết là do bị dập hai phổi nên không khí tràn vào ổ bụng. Tôi và mọi người cuống quít gọi tắc-xi đưa vợ tôi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên.
Hồ sơ bệnh án dày 156 trang lưu tại Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên cho thấy: Bệnh nhân Vi Thị Hạnh được đưa vào Phòng khám cấp cứu Khoa Chấn thương Chỉnh hình lúc 11h30 phút ngày 10-12-2014 trong tình trạng sốc đa chấn thương, mạch nhanh, huyết áp tụt. Lập tức, các bác sĩ (BS) giàu kinh nghiệm của các Khoa: Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Tổng hợp, Ngoại Tim mạch lồng ngực đã có mặt hội chẩn khẩn cấp, xác định bệnh nhân bị chấn thương lồng ngực, dập hai phổi, vỡ xương chậu, chấn thương bụng kín, tỷ lệ sống chỉ khoảng 1%. Xác định “còn nước còn tát”, các BS nhanh chóng cho dùng thuốc vận mạch, trợ tim, thở ô xy, truyền máu. Đến 16 giờ, bệnh nhân (BN) được mổ tại Khoa Gây mê Hồi sức.
Thạc sĩ Nông Thị Thu, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức kể: Sau 2 tiếng, kíp mổ đã dẫn lưu màng phổi hai bên, dẫn lưu máu tụ vùng dưới gan, lá lách, ổ bụng, vùng tiểu khung, truyền máu, duy trì 2 loại thuốc vận mạch. Sau đó chị Hạnh được chuyển vào Phòng hồi sức tích cực của Khoa. Tuy nhiên, do 2 phổi dập nặng, các phế nang ở phổi bị xẹp và chứa nhiều dịch, ô xy không vào nuôi cơ thể được nên sức khỏe BN xấu đi trông thấy. “Cái khó ló cái khôn”, chúng tôi gọi điện xin ý kiến các bác sĩ đầu ngành Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội). Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Kính, Phó Chủ tịch Hội gây mê Hồi sức Việt Nam đã mách mọi người cách này: Dùng bóng bóp tay đẩy khí vào phế nang ở phổi, dồn dịch về vị trí thuận lợi để hút ra, đồng thời làm nở các phế nang đưa ô xy vào. Chúng tôi lập tức áp dụng và thấy hiệu quả rất tốt. Đây thực sự là kinh nghiệm quý chúng tôi may mắn được truyền dạy, chứ chưa có sách vở nào viết điều này.
14 ngày nằm trong Phòng Hồi sức tích cực của khoa Gây mê hồi sức, các sinh hoạt của BN đều do bác sĩ điều dưỡng đảm nhiệm: Đánh răng, rửa mặt, tắm, gội đầu, đi vệ sinh...Khi chị Hạnh đã tỉnh táo, thở tốt, nói chuyện bình thường lại được chuyển sang Khoa Chấn thương Chỉnh hình để điều trị về xương chậu.
Nhớ lại những ngày chăm em ở bệnh viện, chị Vi Thị Hà (chị cả của BN Vi Thị Hạnh) bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm của các thày thuốc ở đây.
- Khi em tôi bị tai nạn, gia đình chẳng có tiền đóng viện phí. Nhưng Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Thành Trung vẫn quyết định: Cứu người trước đã, nếu gia đình không thể trả tiền Bệnh viện sẽ dùng quỹ hỗ trợ bệnh nhân bù vào. Cô Thu, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức còn cho em tôi tiền. Các bác sĩ của khoa Gây mê hồi sức, Ngoại tổng hợp, Ngoại tim mạch lồng ngực, Chấn thương chỉnh hình đã thường xuyên kiểm tra và động viên tình trạng của em tôi. Gia đình tôi thật sự biết ơn tấm lòng nhân hậu của các thày thuốc dành cho chúng tôi...
Trở lại Phòng Hồi sức tích cực, tôi gặp chị Vi Thị Mịt, nhà ở xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đang chăm sóc con gái bị dập não do tai nạn giao thông tối mùng 1 Tết. Đưa về Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, ngay đêm đó con chị được mổ và hiện đã qua cơn nguy hiểm. Chị Mịt cho biết: Khi chúng tôi đưa cháu từ Bắc Kạn xuống trong đêm, các BS ở đây đã tiếp nhận rất nhanh chóng, tận tâm cấp cứu, tôi không có điều gì phải phàn nàn.
Cứu chữa cho người bệnh là nhiệm vụ của thày thuốc. Tuy nhiên, cứu chữa bằng cả tâm, đức, trách nhiệm thì không phải bác sĩ nào và bệnh viện nào cũng có.
Việc giành giật sự sống cho BN nghèo Vi Thị Hạnh đã chứng minh y đức vẫn tồn tại trong cơ chế thị trường. Bởi vậy, người bệnh vẫn đặt niềm tin vào những thày thuốc như thế.