“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, muốn thành công thì phải có tiếng nói chung, sự đồng thuận. Với một xóm đặc thù có trên 90% dân tộc thiểu số sinh sống thì tiếng nói chung ấy chính là sự thấu hiểu và chia sẻ trong cộng đồng, từ đó sẽ tạo được sự thống nhất cao trong suy nghĩ và hành động”. Đồng chí Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ như vậy với chúng tôi.
Nằm liền kề với thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) và trải dài theo Quốc lộ 1B chừng 2km đến chân núi Cái là nơi cư trú của 175 hộ dân với trên 670 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu và dân tộc Ngái. Từ năm 2010 trở lại đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tam Thái đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% xuống còn dưới 1%, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hàng tỷ đồng, mỗi năm làm mới trên 1km đường bê tông liên cụm dân cư và đường nội đồng. Đồng chí Bí thư Chi bộ giới thiệu ngắn gọn với chúng tôi: Tam Thái là xóm thuần nông, trước đây nghèo lắm vì đồng đất cát khô và có nhiều chân ruộng cao thiếu nước, nên bà con nhân dân chỉ làm được một vụ lúa mùa, thời gian nông nhàn, mọi người rời làng đi khắp nơi làm thuê, nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Nghèo còn có một lý do nữa là chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, tập quán sản xuất cũ, chỉ làm một vụ lúa, thu hoạch xong, ruộng vườn thành bãi thả rông trâu, bò, nên kìm hãm sản xuất, đất bỏ hoang…
Đồng chí Trần Văn Tư, Trưởng xóm tâm sự: Sau khi được tập huấn các chương trình kỹ thuật về giống mới, thâm canh tăng vụ, chúng tôi đã tiến hành vận động đến từng hộ. Khi mọi người nhận thức được việc thâm canh tăng vụ là cần thiết ảnh hưởng đến sản xuất chúng tôi đã cho ký cam kết việc quản lý chăn thả gia súc, cấm thả rông; cam kết hợp tác về thủy lợi… Bản cam kết về hợp tác sản xuất đầu tiên được thảo ra từ năm 2010 đã tạo ra được một quy chế mới trong sinh hoạt cộng đồng mang tính tự nguyện. Và từ đó các quy định, thiết chế trong cộng đồng dân cư cũng được xây dựng trên cơ sở cùng bàn bạc và thống nhất”.
Chia sẻ về quá trình làm công tác vận động quần chúng, đồng chí Nguyễn Thị Nụ, Chi hội trưởng Phụ nữ chia sẻ: “Mỗi dân tộc, khu dân cư đều có những nếp sống, phong tục, tập quán riêng, nhưng thấu hiểu và chia sẻ được với nhau thì sẽ có sự thống nhất cao trong hành động và trong suy nghĩ vì cộng đồng. Nhiều hộ dân ban đầu chỉ nghĩ là vận động tiền để xây dựng đường, nhà văn hóa…là để phục vụ lợi ích cho những hộ làm kinh tế, phục vụ cho các trang trại, gia trại… Hoặc trong hoạt động văn hóa cũng vậy, không có nhà văn hóa, mỗi tối tập luyện hát Sọong cô ở các hộ gia đình thì rất phiền và ảnh hưởng đến người khác, nhưng cũng có người lại nghĩ: Vận động tiền làm nhà văn hóa chỉ để cho mấy người tập văn nghệ cho vui…
Để làm thay đổi những suy nghĩ này, chúng tôi tiến hành giãn thu những hộ kinh tế khó khăn và khó thu, tập trung vận động những hộ kinh tế khá hơn hoặc những gia đình là đảng viên… Song song với việc vận động nhân dân quyên góp quỹ xây dựng, chúng tôi tiến hành vận động các hộ này áp dụng hiệu quả các mô hình tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, để vừa tăng thu nhập, vừa làm điểm để nhân rộng trong cộng đồng dân cư, thậm chí hỗ trợ những hộ chưa có kinh nghiệm cùng làm theo”. Đi đầu trong phong trào vận động quyên góp quỹ làm đường giao thông nông thôn và xây nhà văn hóa là những hộ mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Điển hình như gia đình ông Thẩm Dịch Sơn, Thẩm Dịch Dũng, dân tộc Ngái ở cụm dân cư chân núi Cái, đã đầu tư gia trại nuôi lợn, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn lợn thịt thu nhập từ 500-600 triệu đồng. Hoặc như gia đình bà Nguyễn Thị Nụ, gia đình ông Diệp Xuân Phượng, Nguyễn Việt Dũng nhờ áp dụng hiệu quả canh tác cây ngô nếp vụ Đông, cà chua cao sản, trồng hoa dịp Tết… đã cho thu nhập ổn định hàng năm từ 20-25 triệu đồng/sào ruộng sau vụ lúa mùa. Ông Thẩm Dịch Sơn cho chúng tôi biết: “Có đường bê tông, xe ô tô vào tận chuồng bắt lợn, những hộ làm rau, ngô, trồng hoa… xe đến tận vườn thu mua, giảm trừ chi phí vận chuyển thủ công từ 300-500 nghìn mỗi chuyến hàng”.
Từ những mô hình khai thác đất vụ đông, luân canh tăng vụ, chăn nuôi gia trại ban đầu, đến nay Tam Thái đã có gần 1ha ruộng trồng hoa phục vụ Tết, 15ha/54ha được quay vòng làm 3 vụ/năm bằng các cây trồng như cà chua, ngô nếp, rau đặc sản… cho giá trị đồng đất đạt trên 100 triệu đồng/ha. Kinh tế phát triển ổn định, nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, đặc biệt là trong quyên góp ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Từ chỗ chỉ có 70% hộ dân đóng góp quỹ đối ứng làm đường bê tông, xây nhà văn hóa (năm 2010), đến nay đã thu hút được 100% số hộ tham gia. Từ năm 2010 đên nay, xóm Tam Thái đã vận động nhân dân đóng góp được trên 2 tỷ đồng đối ứng xây dựng được trên 6km đường bê tông. Đặc biệt, năm 2011, xóm đã vận động được hàng chục hộ dân hiến trên 3.000m2 đất xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa. Điển hình như gia đình bà Diệp Thị Phương, bà Phó Thị Lan, hiến trên 700m2 đất để làm sân nhà văn hóa… Tam Thái hôm nay đã và đang chuyển mình từ sự đồng thuận, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.