Được triển khai thí điểm tại Thanh Hóa từ tháng 6/2014, mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 đang đem lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV. Mô hình này còn giúp đưa chương trình xét nghiệm, các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tới cộng đồng, đặc biệt là ở tuyến xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn trong tỉnh.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số người nhiễm HIV cao và hiện HIV/AIDS đã có mặt ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Mặc dù Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều biện pháp can thiệp ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao như truyền thông, tư vấn cố định, tư vấn lưu động, cung cấp bơm kim tiêm sạch, tiếp thị bao cao su, điều trị ARV và mới đây là điều trị thay thế nghiện chích các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone… phần nào đã hạn chế được người nhiễm, nhưng số nhiễm mới được phát hiện trong cộng đồng hàng năm ở Thanh Hóa vẫn còn cao, khoảng từ 400-500 trường hợp.
Với sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, vật tư và tài chính của Cục phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, mô hình điều trị 2.0 đang được triển khai tại 19 xã, phường ở thành phố Thanh Hóa, huyện Mường Lát, Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Sau hơn 6 tháng triển khai, đã có gần 300 bệnh nhân được ưu tiên chỉ định điều trị phác đồ viên kết hợp và nhận thuốc tại xã, phường; có 1.114 ca xét nghiệm HIV trong đó phát hiện 15 ca HIV dương tính và đã chuyển sang điều trị ARV. Ngoài ra, mô hình đã chứng minh tính khả thi của việc phân cấp và lồng ghép các dịch vụ HIV (tư vấn xét nghiệm HIV, cấp thuốc và theo dõi điều trị ARV) tại trạm y tế xã phường, tính bền vững của chương trình và được bệnh nhân đánh giá cao sự thuận tiện trong việc xét nghiệm và điều trị.
Việc chẩn đoán HIV sớm bằng các xét nghiệm nhanh cũng đã tạo điều kiện cho người bệnh sớm biết được kết quả và có cơ hội dễ dàng kết nối với việc đăng ký quản lý nguồn lây. Ngoài ra người bệnh sẽ có cơ hội điều trị ARV sớm; đồng thời, giúp cho công tác dự phòng có hiệu quả. Mô hình 2.0 tại các xã, phường cũng giảm đáng kể sự e ngại cho người dân khi phải đến khám. Việc xét nghiệm, sàng lọc và trả kết quả cũng diễn ra trong ngày và ngay tại địa phương. Đặc biệt, tại 12 xã được thụ hưởng từ triển khai mô hình thí điểm của 2 huyện biên giới Mường Lát, Quan Hóa, đã ghi nhận số người nghiện ma túy, phụ nữ có thai, người có vợ hoặc chồng nhiễm HIV… tự nguyện đến xét nghiệm HIV đã tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Bá Cẩn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa, cho biết: “Mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 đang đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh HIV, nhất là việc giúp họ giảm được các chi phí và thời gian đi lại. Bên cạnh đó, do được phân cấp tới hệ thống y tế cơ sở nên mô hình điều trị HIV 2.0 đã phát huy rất tốt hiệu quả việc quản lý và điều trị đối với các bệnh nhân nhiễm HIV, đặc biệt là đối với trường hợp bà mẹ mang thai nhiễm HIV”.
Mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đơn giản và tối đa hiệu quả phác đồ điều trị ARV (uống 1 viên thuốc/1 ngày thay vì uống 6 viên/2 lần/1 ngày); sử dụng kỹ thuật chẩn đoán đơn giản tại điểm điều trị như test nhanh tại trạm y tế, xét nghiệm CD4 cầm tay tại cơ sở điều trị HIV/AIDS; giảm chi phí, lồng ghép chăm sóc điều trị HIV/AIDS vào mạng lưới y tế cơ sở và huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Đây là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm. Thanh Hóa là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trong cả nước đang triển khai mô hình điều trị 2.0./.