Trong những ngày đầu xuân Ất Mùi này, chúng ta lại nhớ lại lời kêu gọi, nhắc nhở của Bác Hồ với nhân dân cả nước: Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Hơn nửa thế kỷ qua, lời phát động Tết trồng cây của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc trồng cây thật sự trở thành ngày hội náo nức, một việc làm có ý nghĩa để góp phần bảo vệ môi trường. Và không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, Tết trồng cây còn là nhiệm vụ mở đầu của năm mới, qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ngay từ những ngày đầu Xuân.
Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước: “Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều”. Theo đó, Người đề nghị 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở miền Bắc đều có thể phụ trách trồng một hoặc vài ba cây, và khẳng định nếu làm được như vậy, trong năm năm từ 1960 đến 1965, “chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà”. Như vậy, việc trồng cây mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân ta.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, Bác khẳng định phong trào Tết trồng cây cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng. Người chỉ rõ nếu phong trào trồng cây phát triển mạnh, đất nước ta sẽ có thêm nhiều cánh rừng tươi tốt, mà rừng chính là thành lũy vững chắc của thế trận quốc phòng. Thực tế trong những năm kháng chiến chống Mỹ cho thấy, những hàng cây xanh tươi dọc theo các con đường quốc lộ, tỉnh lộ, các bờ kênh, bờ mương… là những tấm lưới ngụy trang khổng lồ, giúp cho bộ đội phòng không của ta cơ động tiêu diệt máy bay Mỹ.
Đặc biệt, Bác Hồ sớm thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa trồng cây gây rừng với bảo vệ môi trường, khí hậu. Chính vì vậy, Người động viên nhân dân cả nước ra sức trồng cây để: “Chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay…” và khẳng định: “Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn”.
Để phong trào ngày càng đạt hiệu quả cao, Hồ Chủ Tịch chỉ rõ cần phải chuẩn bị đầy đủ cho Tết trồng cây. Ví dụ, Bộ Nông lâm, các Ty nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu… Đồng thời khẳng định: “mọi người dân đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”.
Bên cạnh đó, Người luôn quan tâm động viên, biểu dương những địa phương, những cá nhân điển hình trong phong trào trồng cây; đồng thời phê bình, nhắc nhở những địa phương, đơn vị thực hiện kém. Người nhắc nhở: “Có những tỉnh nay vẫn còn kém đó là Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng. Và còn độ 2 vạn hợp tác xã chưa thật coi trọng Tết trồng cây … Những nơi kém cần phải cố gắng vươn lên”.
Không chỉ nhắc nhở nhân dân, tự tay Bác đã trồng nhiều cây tại Phủ Chủ tịch, ở những địa phương, những nước mà Bác đến thăm.
Trước lúc đi xa, trong di chúc của mình, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta: “nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi... Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.”
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ phát động phong trào Tết trồng cây, đất nước ta đã có thêm hàng nghìn triệu cây xanh tỏa bóng, hàng vạn hécta rừng phủ kín đồi hoang. Đến nay, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương, của nhân dân cả nước mỗi độ Tết đến Xuân về.
Ngày nay, để gìn giữ nét đẹp và phát huy hiệu quả của Tết trồng cây, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, học sinh nhiệt tình tham gia. Có biện pháp bảo vệ, chăm sóc cây sau khi trồng, bảo đảm đạt tỷ lệ cây sống cao, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch trồng rừng đạt các chỉ tiêu đã đề ra.