Quản lý giá cả thị trường

07:41, 04/02/2015

Dư luận đã từng bức xúc kéo dài về giá sữa trong nước tăng liên tục, một chiều, bất chấp giá thế giới giảm. Tình hình chỉ được cải thiện khi cơ quan chức năng thật sự vào cuộc với biện pháp áp giá trần và nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ khác. Hiện nay, người dân lại đang phản ứng gay gắt về giá cước vận tải không chịu hạ, dù giá xăng dầu đã liên tục giảm đến hơn 20 lần trong năm, tương đương với giảm khoảng 35%. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, tăng cường đốc thúc, thì giá cước vận tải, nhất là ta-xi, mới bắt đầu giảm nhỏ giọt, song không phải tất cả các cơ sở tham gia vận tải đều giảm giá.  

Mới đây, Bộ Tài chính vừa chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, nhất là quản lý giá các mặt hàng phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác. Lý do là từ 1-1-2015, các mặt hàng này đã không phải chịu thuế giá trị gia tăng (theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO), nhưng lại không chịu giảm giá bán. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính can thiệp theo hướng yêu cầu các địa phương gia tăng sức ép, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá. Việc sử dụng mệnh lệnh hành chính trong điều chỉnh giá cả thị trường rất dễ dẫn đến quản lý thiếu căn cứ thực tế, khó phù hợp.

 

Chỉ điểm qua một vài biểu hiện về giá cả thị trường ở một số lĩnh vực trong thời gian gần đây, chúng ta có thể nhận thấy đang có vấn đề trong việc quản lý giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng không nằm trong diện bình ổn giá. Có thể nói, chưa bao giờ cơ chế quản lý, giám sát và điều chỉnh giá các mặt hàng, từ hàng tiêu dùng cơ bản tới mặt hàng chiến lược... lại được thực hiện dày đặc như hiện nay. Nhiều mặt hàng mặc cho thị trường tự điều chỉnh, coi đó là yêu cầu và biểu hiện cao nhất của cơ chế thị trường. Việc thiếu cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm, quy trình; thiếu chế tài đủ mạnh để tạo áp lực phải hạ giá trong các quy định quản lý nhà nước về giá cũng là biểu hiện của bất cập trong nhận thức và chất lượng xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan.

 

Vấn đề cho phép doanh nghiệp tự định giá thị trường khi chưa có cạnh tranh đầy đủ theo quy trình và điều kiện của quy luật kinh tế thị trường sẽ tất yếu dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lạm dụng, khai báo kê khống chi phí, tạo lỗ giả - lãi thật, giá tăng nhanh - giảm chậm, thậm chí chỉ tăng một chiều, kích thích cơ chế xin - cho, đổ gánh nặng chi phí và rủi ro lên vai người tiêu dùng hoặc Nhà nước; trong khi có thể gạt bỏ những nhà đầu tư hiệu quả, khiến nhiều nguồn lực đầu tư bị tắc nghẽn, tạo căng thẳng cung - cầu tiêu dùng giả tạo; làm cho giá cả bị bóp méo vì lợi ích nhóm. Đó là chưa kể đến khi các tập đoàn và doanh nghiệp độc quyền có ý thức liên kết, lũng đoạn thị trường, mượn danh hiệp hội, mượn danh thị trường, lạm dụng và bất chấp Luật Cạnh tranh thì hệ lụy rất có thể sẽ nặng nề hơn.

 

Thực tế cho thấy, không thể có thị trường hoàn hảo, cạnh tranh đầy đủ, lành mạnh khi các thể chế thị trường chưa được thiết lập đồng bộ và thiếu sự giám sát thường xuyên của Nhà nước, nhất là trong kiểm toán chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp tự khai báo, trong điều tra và xử lý ngăn chặn tình trạng liên kết, thông đồng giá. Chỉ có giá cả thị trường tối ưu và tạo đồng thuận xã hội cao trong trường hợp có sự tách biệt và minh bạch những nhiệm vụ kinh doanh vì lợi nhuận với nhiệm vụ chính trị áp đặt cho doanh nghiệp; giảm thiểu tình trạng khiêm cưỡng giá.

 

Thiết nghĩ, khi nước ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế theo định hướng thị trường và đang được nhiều quốc gia công nhận đã có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh thì chúng ta cần phải có cách ứng xử phù hợp trong quản lý giá. Muốn quản lý tận gốc thì hơn hết, cần xây dựng một thị trường hàng hóa giàu sức cạnh tranh và sử dụng chính sức cạnh tranh ấy để điều chỉnh, ổn định giá. Nhận diện và xử lý đúng quy trình những bất cập trong quản lý giá, tăng cường tự do hóa kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, minh bạch hóa thông tin và phát huy quyền lực của người tiêu dùng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy cạnh tranh giá thị trường lành mạnh, bảo đảm sự minh bạch và công bằng, hài hòa về lợi ích, góp phần kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về giá nói riêng, quản lý kinh tế nói chung.