Chính sách đất đai đối với phát triển nông nghiệp được coi là then chốt trong phát triển kinh tế của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi vậy, trong xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, đất đai đã từng bước được Nhà nước ta sử dụng trên quan điểm đáp ứng yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái.
* Thành tựu nổi bật
Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, việc phân bổ quỹ đất đai của Việt Nam đảm bảo được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận về đất đai.
Riêng đối với đất nông nghiệp, được Nhà nước chủ yếu giao cho nông dân, một phần khác được giao cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý và sử dụng. Đi đôi với việc giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân; thực hiện chính sách đổi mới tạo điều kiện cho nông dân đầu tư, cải tạo, bồi bổ đất, giảm nguy cơ suy thoái đất nông nghiệp theo hướng kéo dài hơn thời hạn giao đất, cho thuê đất…
Nhờ đó đã khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn, vừa giải phóng sức lao động, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện. Từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới ở các mặt hàng thế mạnh như gạo, thủy sản… Mặt khác, Nhà nước cũng đưa ra một số chính sách bảo hộ, quy hoạch quỹ đất nông nghiệp ổn định lâu dài giúp người nông dân yên tâm đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật trong quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp từng bước theo nguyên tắc phù hợp theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước góp phần đảm bảo cho thị trường phát triển đúng hướng, ngăn chặn đầu cơ, tạo đà cho nông dân có nguồn vốn thực sự khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp góp phần tạo được lợi thế cho nông dân góp vốn, hoặc mua cổ phần bằng đất vào các doanh nghiệp kinh doanh.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Sau 10 năm thi hành Luật, các địa phương đã thu hồi hơn 650.000 ha đất nông nghiệp để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Việc hạn chế thẩm quyền thu hồi đất đối với chính quyền địa phương đã đảm bảo quỹ đất tròng lúa ở mức trên dưới 4 triệu ha, giữ vững an ninh lương thực, đồng thời kiểm tra giám sát chặt chẽ việc đưa đất thu hồi vào sử dụng.
Những thành tựu nổi bật đó là trong giai đoạn 2008-2013, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng 4,6%/năm, giá trị gia tăng ước đạt 3,28%/năm. Sản lượng lúa trong 5 năm qua tăng thêm hơn 5 triệu tấn. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2008-2012) đạt 113,3 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm. Đã có nhưng mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, cao su, sắn, hạt điều, hồ tiêu, gỗ…Kim ngạch xuất siêu chiếm tỷ trọng lớn, đã góp phần đáng kể vào cán cân thanh toán của nước ta.
Trong giai đoạn 2000-2012, trung bình có khoảng trên 100.000 lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Sự biến đổi về quan hệ ruộng đất đã tạo cơ sở và động lực cho sự tự chủ của người nông dân, trên cơ sở đó góp phần dân chủ hóa đời sống kinh tế-xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
* Những hạn chế cần khắc phục
Theo nhận xét của Thạc sĩ Vũ Văn Nâm, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề quản lý, sử dụng đất đai cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội. Trước hết là diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và manh mún, quản lý sử dụng kém hiệu quả. Diện tích nông nghiệp còn bị mất chủ yếu là do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Ước tính diện tích đất canh tác mất 0,4%, trong đó đất trồng lúa khoảng 1%.
Đất canh tác bị mất còn do việc xây dựng và tích nước của các hồ thủy điện, trong khi dân số mỗi năm tăng trung bình 1 triệu người. Do đó việc duy trì được diện tích 3,81 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2020 đang là một khó khăn thách thức rất lớn. Mặt khác khả năng tích tụ và tập trung ruộng đất của nông dân rất thấp, dẫn đến mức lợi nuận thu được từ những mảnh ruộng nhỏ không đủ để bảo đảm chi tiêu trong cuộc sống của họ.
Kinh tế trang trại phát triển chậm, chỉ 1% số nông hộ lập trang trại. Quy mô đất trung bình của một trang trại đạt chừng 6 ha. Hiện nay GDP khu vực nông nghiệp khoảng 400 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân cả nước gần 2.000 USD/người/năm. Có tới 47,4% nông dân chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại, có nơi nông dân bỏ ruộng, thậm chí bỏ làng để tìm sinh kế ở nơi khác.
Chính vì vậy, việc cần thiết là phải tập trung đất cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao và vấn đề việc làm, thu nhập của bộ phận nông dân không có đất sản xuất. Phân bổ đất đai hợp lý cho các ngành kinh tế khác nhau. Nhất là mối quan hệ gữa đất trồng cây lương thực, đất trồng rừng, đất phi nông nghiệp, đất dịch vụ, đất chỉnh trang và phát triển đô thị.
Về cơ bản cần nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh để điều tiết việc phân bổ, sử dụng đất đai. Nhà nước phải can thiệp mạnh bằng các công cụ như quy hoạch, kế hoạch và chính sách tài chính đối với đất đai để bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu sử dụng. Phân chia lợi ích từ đất một cách công bằng giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Về nguyên tắc nên sử dụng quan hệ thị trường và chính sách điều tiết địa tô của Nhà nước để cân bằng lợi ích. Song Nhà nước cũng cần có công cụ hỗ trợ thích hợp để có thể can thiệp vào việc chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo quy hoạch, nhằm hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện việc giao đất, giao rừng cho người dân sử dụng lâu dài có thời hạn, gắn với lợi ích của họ. Điều này sẽ cho phép khai thác và sử dụng đất đai có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn này. Luật Đất đai 2013 cũng đã mở rộng hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất hình thành sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Điều quan trọng là t ạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tốt hơn với hệ thống tư pháp, như tạo quỹ hỗ trợ tư vấn pháp lý cho nông dân; phổ biến các quy định của tòa án liên quan đến tranh chấp đất đai; tăng cường thông tin qua các phương tiện truyền thông các quyết định của tòa án tới nhân dân…/.