Từ trung tâm xã Phúc Thuận (Phổ Yên), chúng tôi ngược con dốc trầy truội bùn đất chừng hơn 1km để về xóm Khe Đù - vùng đất 4 mùa trong năm đều có hoa thơm, quả ngọt.
Đang dịp áp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đào, mận đua nở, chim hót ríu ran, bên nhiều sườn đồi của vùng đất Khe Đù bưởi, cam, quất, quýt lúc lỉu quả khoe sắc; chuối tiêu hồng khoe buồng. Đi giữa một miền “hoa quả sơn”, thỏa sức ngắm nhìn cảnh vật, thiên nhiên và gặp những chủ nhân của vùng đất sống chân chất, hồn hậu như những “đứa con của mẹ núi” mà thấy lòng nhẹ nhõm, khoan khoái.
Bên ấm trà thoảng thơm dư vị đầy nắng, mưa của gió rừng Tam Đảo, ông Nguyễn Viết Thể, cư dân của xóm Khe Đù lặng lẽ hoài nhớ về một thuở vỡ đất, lập làng: Chừng hơn 40 năm trước, cụ Nguyễn Viết Lái, thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã khăn gói quả mướp đi tìm đất lập làng. Sau nhiều ngày qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La… rồi về đến Thái Nguyên, khi đến vùng đất kề chân núi Tam Đảo, thấy đồi đất lô nhô, có suối reo, thú nhảy, trong rừng lại có nhiều thứ quả dại ăn ngọt sắc giọng, ông trở về thôn An Cảnh, rủ thêm các ông: Đỗ Hữu Cuội, Nguyễn Đăng Bản và ông Nguyễn Như Sử cùng lên mở đất làm kinh tế.
Những ngày đầu họ sống trong lán mái tạm bợ, sắn khoai qua bữa và quật sức phát cây, đốt dọn bãi để trồng sắn, tra mố, đặt hom dong giềng. Không phụ công người, đồi bãi trả công cho họ những mùa vụ no đủ. Họ mang sắn, thóc, củ dong giềng về quê, bà con đến thăm hỏi vui chật nhà, rồi rủ nhau theo các ông lên đất này phát rẫy, mở bãi, lập làng. Cả vùng đất Khe Đù thức dậy cho sắn, dong giềng ra củ, cây mố trổ bông. Cùng thời gian, làng xóm thêm đông đúc.
Ông Bản nhấp chén trà, nhìn ra vườn nhà trĩu trịt quả chín, bảo: Có được mùa quả như bây giờ, người dân Khe Đù phải đổ rất nhiều mồ hôi. Nhớ nhất là dạo đói, rét trong suốt những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, củ sắn, củ dong giềng là lương thực chính của người dân Khe Đù. Cũng từ những năm đầu lên đây mở đất, cây nhãn lồng Hưng Yên được bà con ươm trồng trong vườn nhà. Khi ấy là trồng nhãn lấy quả ăn vui miệng. Vì mưu sinh, nên vạn bất đắc dĩ, bà con rủ nhau sang nông trường chè Quân Chu hái mót quả chè về trồng trên đất của mình. Hợp thổ nhưỡng, cây chè phát triển xanh tốt và được chính quyền địa phương chọn làm cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Khe Đù.
Chè Khe Đù ngon, hương, vị có thể sánh với nhiều vùng chè đặc sản khác của tỉnh. Nhưng ở Khe Đù, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả cây chè là các loại cây ăn quả như nhãn. Từ trước năm 1990, cây nhãn và cây vải thiều được người dân trồng khắp các vườn bãi, nhiều hộ trồng xen trong nương chè. Vào cữ từ tháng 5 đến tháng 8, tư thương vào mua cả vườn, chẳng mặc cả một câu, vì quả nhãn, vải ở vùng đất này ngọt sắc, dễ ăn hơn các vùng khác. Ông Nguyễn Đình Sáng kể: Một dạo quả vải nuôi sống người dân Khe Đù. Song đến năm 2000, quả vải mất giá, bà con bảo nhau làm long vải, nhưng cũng chẳng bán được, nên hò nhau mang dao chặt ngả đi từng rừng vải để trồng thay thế vào đó các loại cây ăn quả khác.
Ông Nguyễn Viết Long, Trưởng xóm đưa chúng tôi đi thăm vườn, thấy hàng ngang, hàng dọc cây mọc thẳng lối. Ông cho biết: Mỗi giống cây ăn quả lại có nhiều loại khác nhau, như bưởi, có: Bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch, bưởi Da Xanh, bưởi Mỹ, bưởi Đoan Hùng; cam có: Cam Vinh, cam Đường Canh; chuối có: Chuối tiêu, chuối tây, chuối lá, chuối ngự, chuối hột và chuối tiêu hồng… Giống cây ăn quả các loại chủ yếu lấy ở Hưng Yên; Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và Viện Giống Trung ương. Từ đa canh các loại cây ăn quả, nên trong năm, người Khe Đù thường xuyên có thu nhập từ vườn quả của mình.
Ông Thể cho biết thêm: Nhờ trồng cây ăn quả, từ năm 2000, người dân Khe Đù không phải ăn độn sắn, dong giềng như nhiều năm trước đó… Ông Thể cứ mộc mạc từng câu, từng từ, nhưng chắc chắn. Người dân Khe Đù dường như ai cũng thế, sống chân thật, mến khách.
Từ chuyên tâm tới trồng cây ăn quả, người dân xóm Khe Đù nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, ghép mắt cho những cây trong vường nhà ra cành, đậu quả theo ý muốn. Hiện xóm có 103 hộ, gần 400 nhân khẩu, gia đình nào cũng có người biết ghép mắt cây. Mỗi năm, vùng đất xóm Khe Đù mang lại cho chủ nhân của mình chừng hơn 10 tỷ đồng từ trồng cây ăn quả. Người có thu nhập cao nhất ở Khe Đù phải kể đến các ông: Nguyễn Viết Quỳnh; Nguyễn Văn Quế, từ gần 3ha đất trồng cây ăn quả, mỗi năm thu nhập được gần 500 triệu đồng.
Người Khe Đù tự hào về kinh nghiệm sống, về đức tính tự lập, cứ khắc nghĩ, khắc làm, khắc ăn, chẳng mấy khi để ý xem thu nhập bình quân đầu người được bao nhiều tiền/năm. Nhưng nhìn vườn bãi thì chắc chắn mỗi nhà có thu từ hơn 100 triệu đồng/hộ. Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn, ông Nguyễn Hữu Khán cho biết: Hiện gia đình có 300 gốc nhãn, 340 gốc cam Vinh và cam Đường Canh, 900 gốc bưởi, từ 3 năm gần đây, mỗi năm tôi thu hoạch được hơn 400 triệu đồng. Ông Khán dừng lời, xăm xắn đưa chúng tôi đi thăm 140 gốc bưởi Mỹ, tuy thưa quả, nhưng quả nào cũng căn tròn như… cái rổ, vỏ da mịn, đẹp. Ông khiêm tốn bảo: Ở Khe Đù, người dân thường giúp đỡ nhau bằng cách trồng tặng cho vườn cây ăn quả. Còn hộ có thu nhập ở mức 400 triệu đồng/năm như gia đình tôi thì chiếm phổ biến ở xóm.
Chiều chạng vạng, sương trắng bao phủ cả vùng đất Khe Đù. Trên dọc đường trở ra trung tâm xã, chúng tôi gặp những chiếc xe vận tải của tư thương vào thu mua cam, quất, quýt, bưởi, chuối của nông dân để bán ngày chợ áp Tết. Tôi chợt thấy lòng mình lây cái vui của cư dân Khe Đù. Lòng thầm nhủ: Từ miền quả chín này, những chuối tiêu hồng, cam, quýt, quất, bưởi… sẽ có trong mâm ngũ quả, được bao gia đình trịnh trọng đặt trên ban thờ mỗi độ Xuân sang.