Bảo Cường phát huy nội lực

14:45, 11/03/2015

Là vùng quê thuần nông, nhưng với việc tìm ra lợi thế để phát triển kinh tế nên xã Bảo Cường (Định Hóa) đã có bước giảm nghèo mạnh mẽ, từ 23,5% (năm 2013) xuống 15,3% (năm 2014) và là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất của huyện.

Với 240ha đất lúa, trong đó, phần lớn diện tích nằm ở địa thế bằng phẳng, lợi thế này của xã Bảo Cường mới được phát huy trong những năm gần đây nhưng đã góp phần thay đổi nhiều đời sống của người nông dân. Nếu như trước đây, người dân trong xã chỉ cấy 2 vụ lúa/năm, thì nay ngoài hai vụ lúa chính, bà con còn trồng màu để nâng cao thu nhập. Từ năm 2012 đến nay, diện tích các loại cây màu của xã đã tăng từ 60ha lên 100ha.

 

Các loại cây màu tập trung chủ yếu như: ngô; khoai tây, cà chua và các loại rau… để bán. Đặc biệt, với việc chuyển dần các diện tích lúa thường sang cấy lúa Bao thai thương phẩm đã đem lại hiệu quả cao cho người dân. Diện tích này cũng tăng dần từ gần 100ha (năm 2013) lên 135ha (năm 2014), năng suất đạt 56 tạ/ha. Sản lượng thóc Bao thai thương phẩm năm 2014 đạt gần 700 tấn, trong đó giá thóc Bao thai cao hơn giá thóc thường từ 25 đến 30% đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhờ thâm canh tăng vụ, chuyển dần sang cấy lúa Bao thai thương phẩm nên vấn đề lương thực của người dân Bảo cường không những được đảm bảo mà còn bán ra thị trường để tăng thêm thu nhập cho nông dân.

 

Cùng với trồng trọt là các mô hình chăn nuôi, nhất là nuôi gà thịt ở xã đang phát triển mạnh. Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình chăn nuôi gà có quy mô lớn trên địa bàn, chị Triệu Thị Vỵ, cán bộ khuyến nông xã Bảo Cường cho biết: Tổng số dư nợ mà các hộ nghèo trong xã vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện lên tới gần 13 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2014, với số tiền 300 triệu đồng từ Chương trình xóa đói giảm nghèo đã hỗ trợ cho 15 hộ dân mua phương tiện, máy móc tạo điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện, trên địa bàn xã có 12 mô hình chăn nuôi gà thịt với quy mô từ 1.000 đến 3.000 con mỗi lứa.

 

Chị Phạm Thị Viền là chủ gia trại chăn nuôi gà thịt ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường chia sẻ: Năm 2010, bằng nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cộng với số tiền hơn 30 triệu đồng của gia đình, hai vợ chồng tôi quyết định phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt. Thời gian đầu chỉ chăn nuôi hơn 500 con nhưng thấy chăn nuôi gà cho hiệu quả cao nên đã đầu tư mở rộng thêm. Hiện nay, mỗi lứa gia đình tôi nuôi trên 2.000 con, trừ chi phí, gia đình có thu nhập 40 đến 50 triệu đồng/lứa. Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo nhưng từ khi phát triển chăn nuôi gà thịt nên đã từng bước khá giả hơn…

 

 Bên cạnh đó, phong trào trồng rừng sản xuất ở xã Bảo Cường cũng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ nhu cầu sử dụng gỗ keo rất lớn của các cơ sở chế biến gỗ. Trước đây, những diện tích rừng này chủ yếu để không hoặc cây tạp mọc, giá trị kinh tế từ rừng ít nên nhiều người dân không quan tâm đến phát triển rừng. Đến nay, hầu hết diện tích 500ha đất lâm nghiệp của xã đã được người dân trồng rừng sản xuất và đã có hàng chục hộ dân thoát nghèo nhờ trồng rừng. Bà Hà Thị Bài, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (một trong những hộ thoát nghèo từ trồng rừng) cho biết: Nhà tôi có ít đất ruộng, trước đây đất rừng để không nên chẳng có thu nhập từ rừng. Đến năm 2006, khi phong trào trồng rừng của địa phương phát triên mạnh nên gia đình tôi mới tiến hành trồng 2ha. Mặc dù trồng rừng sản xuất lâu cho khai thác nhưng được hỗ trợ về giống, lại phải bỏ ít công chăm sóc nên năm 2009 gia đình trồng thêm 1ha keo. Hiện tại, gia đình đã bán hơn 1ha rừng và đang có kế hoạch trồng kế tiếp.

 

 Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn ở mức cao (15,3%) nhưng với các chính sách hộ trợ người nghèo phát triển kinh tế và phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương, đời sống của người dân xã Bảo Cường đang thay đổi từng ngày.