Chủ động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật

10:38, 23/03/2015

Năm 2015, bệnh dại trên người và động vật diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, bệnh dại chó đã xảy ra tại 3 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh là Đại Từ, Phú Lương và T.P Thái Nguyên, làm 3 con chó mắc bệnh và 2 con bị chó nghi dại cắn, số chó đập chết và tiêu hủy là 5 con.

Theo đó, toàn tỉnh đã có 3 ca tử vong do mắc bệnh dại và gần 1.083 ca phơi nhiễm đến tư vấn và tiêm vắc xin, kháng huyết thanh phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Các trường hợp tử vong là các em Hoàng Văn Khánh, 14 tuổi ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương); Hoàng Văn Tiệp, 4 tuổi, xóm La Dây, xã Hoàng Nông (Đại Từ) và anh Phạm Ngọc Thảo, 40 tuổi, xóm 1, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên).

 

Được biết, em Hoàng Văn Tiệp bị chó chạy rông cắn ngày 1-1-2015, rách khắp vùng mặt, vết rách sâu chảy máu, đã được cán bộ y tế xã Hoàng Nông rửa vết thương bằng xà phòng và tư vấn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị. Gia đình đã đưa em đến Trung Tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại (tiêm mũi 1, 2, 3). Đến ngày 17-1-2015, em có biểu hiện mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, sợ tiếng động, sốt cao, nuốt khó. Em đã tử vong ngày 18-1-2015 với chẩn đoán theo dõi dại lên cơn. Đối với anh Phạm Ngọc Thảo, bị một con chó lạ cắn vào cổ tay gây chảy máu ngày 5-12-2014. Sau đó anh đã rửa vết thương bằng xà phòng, nhưng không đi tiêm phòng vắc xin dại. Đến ngày 9-2-2015, anh có biểu hiện của bệnh dại. Gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên khám, điều trị, nhưng đã tử vong ngày 12-2.

 

Theo nhận định của ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y: Bệnh dại xảy ra trên người và động vật là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để. Vẫn còn nhiều người dân do ý thức chưa cao, cố tình không đưa chó đi tiêm phòng nên năm 2014, số chó được tiêm phòng mới đạt khoảng 60% trên tổng đàn. Thêm vào đó, tập quán nuôi chó thả rông, không xích nhốt, đàn chó chưa được quản lý vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương. Đặc biệt, nhiều người bị chó cắn không đến các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng dẫn đến bị phát bệnh dại và tử vong.

 

Nhằm chủ động giám sát, phát hiện khống chế khẩn cấp các ổ dịch, ngăn chặn có hiệu quả bệnh dại trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh các ổ dịch mới, giảm thiểu người bị chó cắn và tử vong trong thời gian tới đòi hỏi các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã, xóm... phải vào cuộc rất quyết. Theo chỉ đạo của tỉnh thì để làm tốt phần việc nêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống bệnh dại tại Nghị định số 05 ngày 9-1-2007 của Chính phủ, Thông tư số 48 ngày 4-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Quyết định số 1622 của Bộ Y tế...  Theo đó, Chi cục Thú y (Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống bệnh động vật tỉnh) phải phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại cơ sở.

 

 

Năm 2014 số người tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó nghi dại cắn trên cả nước đã lên tới 399.053 người, cao hơn 11% so với năm 2013, đã có 66 trường hợp tử vong do bệnh dại năm 2014. Riêng với Thái Nguyên đã có hàng nghìn ca phơi nhiễm, trong đó có 2 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn.

 

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các đơn vị y tế tuyến huyện, xã cần chủ động phối hợp với cơ quan thú y giám sát bệnh dại trên người, hướng dẫn kịp thời người bị chó cắn xử lý vết thương, điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại, ngăn ngừa người bị tử vong do chó cắn; kiểm tra, rà soát, tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng dại, đảm bảo ít nhất mỗi huyện, thành phố, thị xã có 1 điểm tiêm; dự trữ vắc xin phòng dại để tiêm kịp thời cho người dân khi có nhu cầu.

 

Cùng với sự vào cuộc của các ngành liên quan thì các huyện, thành phố, thị xã; các xã, phường, thị trấn, cũng cần xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng bắt buộc vắc xin dại cho đàn chó (yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% so với tổng đàn trên địa bàn). Đối với vùng có dịch, cần tiêm phòng triệt để số chó trong vùng, tổ chức bắt giữ và xử lý đối với chó thả rông. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân, người nuôi chó hiểu về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống theo quy định; phát hiện sớm bệnh dại, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng; thực hiện quản lý vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác triển khai phòng, chống không quyết liệt, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại thấp, để xảy ra dịch và có trường hợp tử vong trên người do bệnh dại gây ra và các biện pháp xử lý kịp thời...