Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm, long móng gia súc

15:56, 23/03/2015

Hiện nay, dịch bệnh  lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc của tỉnh Bắc Kạn (địa phương giáp ranh với Thái Nguyên) đang có những diễn biến phức tạp. Theo đó, đã có trên 140 con trâu, bò của tỉnh này bị chết do mắc bệnh LMLM.

Để ngăn chặn dịch bệnh này lây lan sang Thái Nguyên cũng như làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh ta đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách như: Các cấp, ngành chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến dịch LMLM trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận để kịp thời xử lý khi xuất hiện dịch, không để lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, thực hiện báo cáo ổ dịch theo quy định; rà soát kết quả tiêm phòng vắc xin LMLM trên địa bàn tỉnh, khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM đợt I/2015 và tiêm phòng bổ sung không để dịch phát sinh và lây lan.

 

Cùng với đó là chỉ đạo các chốt kiểm dịch động vật tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia súc trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo, xử lý khi phát hiện hành vi vận chuyển, buôn bán động vật không rõ nguồn gốc; đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc nhập lậu gia súc, sản phẩm gia súc; phổ biến quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và các biện pháp xử lý vi phạm đến mọi tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, các cấp, ngành có liên quan đang tổ chức xây dựng các phương án kiểm soát dịch bệnh, tuyên truyền hướng dẫn người dân đảm bảo thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm tra kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, báo cáo UBND tỉnh ngay khi phát hiện có dịch trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã...

 

Được biết, dịch bệnh LMLM đã xuất hiện ở Thái Nguyên từ tháng 12-2010 đến khoảng tháng 5-2011 mới công bố hết dịch. Thời điểm đó, dịch bệnh đã lan rộng trên cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với gần 20 nghìn con gia súc mắc bệnh, trong đó có trên 10 nghìn con trâu, bò, dê, lợn... bị chết, buộc phải tiêu hủy.