Điểm hẹn của nhà tuyển dụng và người lao động

08:36, 05/03/2015

Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp đầu Xuân, tỉnh ta lại tổ chức Hội chợ việc làm, trong đó có phiên giao dịch “Ngày hội việc làm”. Đây là nơi giao lưu trực tiếp để người tìm việc và việc tìm người, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về Hội chợ việc làm năm nay (sẽ được khai mạc sáng 6-3) và vấn đề giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

P.V: Xin đồng chí cho biết mục tiêu và quy mô của “Ngày hội việc làm” tại Hội chợ năm nay?

 

Đ/c Nguyễn Thành Long: Hội chợ việc làm và “Ngày hội việc làm” là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. “Ngày hội việc làm” và Hội chợ việc làm không thuần túy là giải quyết được bao nhiêu việc làm cho lao động hay thực hiện được bao nhiêu giao dịch, mà năm nay được Ban Tổ chức Hội chợ việc làm tỉnh đặt ra những mục tiêu chính là:

 

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giải quyết việc làm và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đề án  Đào tạo nghề và giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015.

 

Thứ hai: Tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương và cá nhân người lao động về lĩnh vực lao động - việc làm và học nghề; tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm để người lao động lựa chọn những việc làm và nghề nghiệp phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Thứ ba: Cung cấp đầy đủ thông tin về lĩnh vực lao động - việc làm trong nước, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin thị trường lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động thực hiện được các hợp đồng, giao dịch một cách chính thống qua các trang tin điện tử của cơ quan Nhà nước hoặc có sự quản lý, giám sát của Nhà nước, như: “vieclamthainguyen”, “sàn giao dịch việc làm” và một số trang tuyển dụng khác, tránh tình trạng bị lừa đảo, hoặc mất các khoản phí tiêu cực, gậy mất long tin trong xã hội.

 

Về quy mô “Ngày hội viêc làm” năm nay sẽ có trên 30 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tham gia và cần tuyển dụng ngay trên 30 nghìn lao động. Theo đăng ký đã có 18 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, 7 doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong nước và 5 cơ sở dạy nghề là các trường cao đẳng nghề. Đặc biệt, trong năm nay, Công ty Samsung Electronics tại Thái Nguyên cần tuyển dụng trên 30 nghìn lao động ở nhiều vị trí khác nhau.

 

P.V: Từ hoạt động Hội chợ việc làm hàng năm cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, đồng chí cho biết khái quát những kết quả đã đạt được trong những năm gần đây?

 

Đ/c Nguyễn Thành Long: Mỗi năm, Hội chợ việc làm và “Ngày hội việc làm” có những đổi mới nhất định và đem lại kết quả ngày một khả quan hơn. Nếu như từ năm 2011 đến năm 2013, Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh mới chỉ duy trì 12 phiên giao dịch việc làm cố định và 8-10 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, thì đến nay đã nâng tần suất phiên giao dịch việc làm cố định lên 01 phiên/tuần.  Về hình thức tuyển dụng tại “Ngày hội việc làm” năm nay cũng được cải tiến, đó là người lao động có thể giao dịch trực tiếp, hoặc qua trang thông tin điện tử của nhà tuyển dụng được công bố tại Hội chợ. Về kết quả thực hiện giải quyết việc làm trong những năm gần đây thông qua hình thức Hội chợ cùng với đó là các chương trình mục tiêu Quốc gia, toàn tỉnh mà cơ quan thường trực là Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã thực hiện trong 4 năm (2011-2014) tạo việc làm mới cho 93.840 lao động (đạt 125 % mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn). Cụ thể từng chương trình là: Nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm đã thực hiện được là 6.236/11.000 lao động; xuất khẩu lao động là 5.365/6.000 lao động; giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án khác là 82.239 người. Về cơ cấu lao động qua hoạt động đào tạo, giải quyết việc làm và phân bổ nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cũng đã có chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ (chiếm khoảng gần 70%).

 

P.V: Đồng chí có nhận định và đánh giá gì về hiệu quả giải quyết việc làm và chất lượng lao động của tỉnh ta thông qua các giao dịch giữa nhà tuyển dụng với người lao động tại các Hội chợ và sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

 

Việc làm vẫn là một vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội, mặc dù kết quả giải quyết việc làm vượt kế hoạch đề ra nhưng chưa tạo được việc làm bền vững cho người lao động, chất lượng việc làm chưa cao, một số chỉ tiêu không đạt, như: Tạo việc làm thông qua cho vay vốn hỗ trợ việc làm, chỉ đạt bình quân 1.850 người/năm so với mục tiêu 2.750 người/năm. Xuất khẩu lao động bình quân 1.235 người/năm so với mục tiêu ban đầu của Đề án là 2.000 - 2.500 người/năm. Với mục tiêu tạo việc làm tăng thêm cho 15.000 người/năm và coi trọng yếu tố bền vững đang là những vấn đề khó khăn. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Thái Nguyên có nhu cầu sử dụng nhiều lao động nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, do vậy người lao động không quan tâm đến việc học nghề, tính chất công việc thiếu ổn định. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội còn nặng về khoa cử, bằng cấp, chưa xác định rõ học nghề để lập thân lập nghiệp; sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp có nơi chưa được chặt chẽ nên thiếu bền vững. Hy vọng thông qua hoạt động Hội chợ việc làm và “Ngày hội việc làm”, nhà tuyển dụng, người lao động, cơ sở đào tạo và nhà quản lý sẽ có thêm nhiều thông tin để lựa chọn việc làm cho phù hợp giữa cung và cầu cũng như chiến lược về giải quyết việc làm lâu dài và ổn định.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!