“Đường đi trên mây lên tới cổng trời”

08:32, 20/03/2015

Nhằm tôn vinh, biểu dương những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định đã có công mở tuyến đường Hạnh phúc đến 4 huyện phía Bắc của tỉnh Hà Giang, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, hôm nay (20-3), tại T.P Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu TNXP Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường (1965-2015).

Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên có bài viết về con đường Hạnh phúc - con đường máu và hoa - cùng những đóng góp của lực lượng TNXP tỉnh ta để làm nên công trình này.

 

Từ Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên, qua đèo Khế sang đất Tuyên Quang, từ đây, đường bám dọc dòng sông Lô, mê mải băng qua những đồi cam để ngược lên miền biên viễn Hà Giang. Suốt dọc hành trình, lời bài hát “Hà Giang quê tôi” của nhạc sĩ Thanh Phúc luôn cất lên, vui nhộn, hào sảng. Vâng! “Nơi biên cương là đây”. Nơi rừng đá của cao nguyên cực Bắc Tổ quốc, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

 

Đang những ngày tháng Ba, trên cao nguyên đá còn se lạnh. Hơi lạnh rớt xuống, ngấm vào vách đá. Hơi sương tụ lại, thành từng quầng mây trôi ngay dưới chân đường. Từ một ngọn núi cao chất ngất, mặt trời nhô ra khỏi mỏm đá, rọi vệt nắng khiến từng đám mây trắng như bông lấp lánh ánh sắc cầu vồng. Tôi thầm nhủ: Cao nguyên đá Hà Giang kỳ vĩ, hấp dẫn, nhưng chất chứa trong nó cả một niềm đau khắc khoải của bao kiếp người. Bởi ngày ấy (trước năm 1960), từ T.X Hà Giang lên cổng trời chỉ có con đường mòn độc đạo, nhiều đoạn đường đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Pu Péo, Lô Lô… phải dùng dây buộc mình vào vách đá để trườn lên, hoặc làm thang đi tiếp lên đoạn dốc phía trên. Đời sau kế đời trước, đồng bào đã đi trên con đường khổ hạnh ấy như cách đi của con dê núi. Và những TNXP đã học cách đi trên mỏm đá tai mèo, nhưng không phải để về nhà, mà mở cho đồng bào sinh sống nơi non cao một con đường gần gũi hơn với miền xuôi. Con đường ấy có tên là đường Hạnh phúc.

 

Bền bỉ hơn hai nghìn ngày không nghỉ, gần 2.500 TNXP và đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá đã tham gia gần 3 triệu lượt ngày công. Họ đã dùng xà beng, cuốc, xẻng đục, khoét gần 3 triệu m3 đất, đá, mở mới 184 km đường từ T.X Hà Giang thông suốt tới các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. 

 

Ngày ấy, những TNXP và đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá cùng chung sức làm nên một con đường huyền thoại. Và trên con đường huyền thoại đang hiện hữu giữa đời thường hôm nay, tên của 14 TNXP được tạc khắc trên bia đá, quy tụ thành đội hình trong Nghĩa trang TNXP huyện Yên Minh. Để cháu con đời đời khi đi trên con đường Hạnh phúc, khi qua nghĩa trang này đều kính cẩn tưởng nhớ công ơn lớn lao của những người mở đường. Họ đều rất trẻ, mới mười tám, đôi mươi, xắp hàng tề chỉnh như mỗi ngày chuẩn bị ra công trường đánh đá, trong số họ có 4 liệt sĩ thuộc Đại đội 4 - TNXP tỉnh Thái Nguyên.

 

Giữa khói hương gợi miền ký ức, hình ảnh của những năm tháng “chiến đấu với đá” lại hiển hiện trong nghĩ suy mỗi cựu TNXP. 4 người đồng chí Thái Nguyên nằm lại đây là: Hoàng Văn Việt, Dương Văn Sản, Cao Văn Vân và Đào Ngọc Phẩm. Họ đã cống hiến và hy sinh như bao người Anh hùng. Bà Ngô Thị Trà, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) kể: Gian khổ lắm, lương thực, thực phẩm thiếu, 1 người được chia 2 ca nước/ngày. Nhưng anh chị em không mấy khi vắng mặt trên tuyến. Còn bà Hoàng Thị Chấm, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) kể: Công việc cực nhọc, song trên công trường phong trào văn nghệ, thể thao luôn tưng bừng, khích lệ mỗi người cố gắng. Ông Hà Đức Lược, xã Tiên Phong (Phổ Yên) xòe cho chúng tôi xem đôi bàn tay nhăn nheo, bảo: Trên công trường, lòng bàn tay ai cũng chai sạn, cứng hơn đá thì mới đục được đá anh ạ.

 

Chuyến trở lại con đường Hạnh phúc lần này, Đại đội 4 Thái Nguyên có 20 cựu TNXP và 4 người là thân nhân gia đình liệt sĩ. Những cựu TNXP đều đã lên thiên chức ông, bà. Sức khỏe không còn được như những ngày đi đục đá mở đường, nhưng khí thế, lòng tự hào ở mỗi người còn ngời tươi, nhất là khi cùng nhau nhắc nhớ chuyện ngày mở đường lên miền cao nguyên đá. Để hôm nay được ngôi trên xe ô tô, đi trên chính con đường do đôi bàn tay mình góp công sức phá đá.

 

Ông Nguyễn Văn Thoi (Phổ Yên) nói vô tư: Vẫn cái đường cheo bên miệng vực, nhưng bây giờ to, đẹp quá… Mọi người ngồi trong xe, lặng yên ngắm nhìn từng bờ ta luy âm sâu hút hồn, có chỗ sâu tới hàng trăm mét, bên còn lại là bờ ta luy dương cao chất ngất đến đỉnh trời. Ông Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên, người có nhiều kỷ niệm với con đường Hạnh phúc kể lại: Con đường lên cổng trời cực Bắc không có đạn bom thù đổ xuống như những năm mở đường đánh Mỹ, nhưng trên con đường ấy trải đầy hiểm nguy, mỗi ngày ra công trường cũng có thể không trở về nữa. Có những đoạn TNXP phải buộc dây treo mình trên vách đá để dùng xã beng troòng lỗ nhồi mìn. Rồi lạ nước, ăn uống thiếu thốn, ghẻ lở, ngã nước, sốt rét ác tính… song mỗi ngày những xăng ti mét đường lại được mở dài, rộng ra.

 

Anh Dương Văn Chúc, xã Thượng Đình (Phú Bình) là thân nhân liệt sĩ Dương Đình Sản, lần đầu được lên cao nguyên đá thán phục: Cha ông tôi đã làm nên một huyện thoại, huyền thoại mang lại hạnh phúc cho hàng vạn đồng bào… Anh dừng lời, mắt đắm đọng vào vườn lê trong một bờ rào kè đá của chòm người Mông vừa độ nở trắng.

 

Mỗi cung đường trên con đường Hạnh phúc đều mang sắc màu bi tráng của máu và hoa. Ngay ở đoạn mở đầu lên dốc Bắc Sum vào cổng trời Quản Bạ, người TNXP Hoàng Văn Việt đã ngã xuống vì bệnh sốt rét ác tính. Nhưng những khó khăn, gian khổ và hy sinh cũng không ngăn nổi quyết tâm mở đường của những người TNXP. Hằng ngày họ đạp chân lên đá, treo mình trên vách đá để đục đá mở đường. Cùng thời gian, con đường Hạnh phúc từ Hà Giang đã băng lên cao nguyên đá, qua những dốc núi mang tên: Bắc Sum, Quyết Tiến (Quản Bạ); Cắn Tỷ, Na Khê, Lao Và Chải, Viềng (Yên Minh); dốc 3 khoanh, 9 khoanh lên Nán Xì, qua Lúng Cẩm, Lũng Táo vào thị trấn huyện Đồng Văn. Rồi bằng quyết tâm, con đường tiếp tục được mở từ huyện Đồng Văn sang huyện Mèo Vạc. Trong điều kiện thi công rất nguy hiểm, những TNXP luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tại cung đường này, khi phát hiện một khối đá lớn có nguy cơ đổ xập xuống bất cứ lúc nào, đồng chí Cao Văn Vân đã xung phong vác xà beng leo lên xử lý, song chưa kịp trở về nơi an toàn thì đất đá đổ xập xuống, đồng chí Vân hy sinh tại chỗ.

 

Khi đường mở qua đỉnh Mã Pí Lèng, cung đường dài 20 km, qua các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái (Mèo Vạc). Để thi công cung đường Mã Pí Lèng, TNXP phải mở một đường công vụ rộng 40 cm vào vách núi đá. Rồi 11 tháng ròng, những TNXP tình nguyện vào Đội Cơ Dũng (Cảm tử), hằng ngày cùng treo mình trên vách đá để đục đá đánh mìn.

 

Từng ngày đục lấn núi, cung đường qua đỉnh Mã Pí Lèng được khai thông, nhưng ngày 4-3-1965, tức trước ngày con đường Hạnh phúc khánh thành 16 ngày, khi đang cùng đơn vị dọn dẹp những mảnh đá vụn trên mặt đường, đồng chí Đào Ngọc Phẩm phát hiện có hòn đá to trên bờ ta luy dương đang lăn xuống mặt đường. Vừa khi đó, cha con Giàng Pản Giẩu, người dân tộc Mông đi đến, hốt hoảng chạy và bị xa chân xuống vực. đồng chí Phẩm đã không chút đắn đo, lao lại cứu sống được 2 cha con Giàng Pản Giẩu. Trong lúc cứu người, đồng chí Phẩm bị trượt chân, rơi xuống mép vực bên dòng sông Nho Quế.

 

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc, chúng tôi, những người làm Báo Thái nguyên xin có nén trầm thơm, cảm tạ những TNXP đã dũng cảm hy sinh trong khi mở đường lên cao nguyên đá Hà Giang. Để hôm nay, trên miền biên viễn cực Bắc Tổ quốc, những con đường đang từng ngày khai thông về bản, mang đến cho mọi nhà sự ấm no, hạnh phúc như tên của con đường.