Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, chỉ trong hơn 6 tháng trở lại đây toàn tỉnh đã xảy ra khoảng 40 vụ cháy đường dây dẫn điện.
Trong đó, có 37/40 vụ xảy ra trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Các vụ cháy thường xảy ra vào giờ cao điểm (từ 16 giờ đến 22 giờ), nguyên nhân của hầu hết các vụ cháy được xác định là do quá tải, chỉ có 1 vụ là do sự cố kỹ thuật.
Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Điện lực T.P Thái Nguyên cho biết: Đa số nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy đường dây diện là do thiết bị sử dụng điện công suất quá lớn, vượt mức đăng ký ban đầu; do chập dây sau công tơ dẫn đến cháy lan truyền; các đường dây thông tin hoặc các vật khác được chăng, mắc cùng trên hệ thống đường điện cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc đảm bảo vận hành lưới điện. Đơn cử như vụ cháy xảy ra ngày 25-1-2015 vừa qua tại cột số 9, trạm biến áp Bảo tàng 1 (tổ 16, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên), làm cháy hoàn toàn 1 công tơ điện tử 3 pha, 1 vỏ hộp công tơ rồi cháy lan truyền sang công tơ 1 pha. Nguồn gây cháy được xác định từ công tơ điện tử 3 pha tại cơ sở chế biến giò, chả của gia đình ông Tô Đình Thái. Công suất điện gia đình ông Thái đăng ký trong hợp đồng mua bán điện với Điện lực T.P Thái Nguyên là 7,0kw, nhưng thực tế kiểm tra thiết bị sử dụng điện của gia đình ông lên tới 12,7kw.
Vụ cháy này nói riêng và các vụ cháy đường dây dẫn điện khác nói chung thời gian qua tuy không gây thiệt hại lớn về kinh tế (thiệt hại bình quân mỗi vụ cháy từ 1 đến 2 triệu đồng) nhưng đã ảnh hưởng đến việc cấp điện sử dụng cho các hộ dân khác. Cá biệt có những điểm liên tục xảy ra cháy đường dây dẫn điện và công tơ lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài, ví dụ như tại cột điện trước cổng rẽ vào tổ dân phố 21, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Theo nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết, tại đây hầu như tháng nào cũng xảy ra cháy đường điện.
Để có những đánh giá khách quan hơn về nguyên nhân cháy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại úy Trần Xuân Bình, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh. Theo Đại úy Bình, số lượng các vụ cháy trong mấy tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 là lớn nhất từ trước đến nay, tính trong cùng một khoảng thời gian. Theo nhận định của cơ quan chức năng, hiện tượng cháy đường dây điện do nhiều nguyên nhân: Đó là hệ thống điện đã được lắp đặt lâu năm, không được bảo trì bảo dưỡng định kỳ; công suất cung cấp điện không được đáp ứng kịp thời, đồng bộ với công suất của phụ tải điện; thiết bị bảo vệ hệ thống điện (máy cắt điện, cầu chì, áp tô mát bảo vệ) không chính xác, đôi khi bảo vệ không đúng cấp, nhảy vượt cấp bảo vệ. Thêm vào đó, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan đơn vị, nhà hàng được thành lập… đồng nghĩa có nhiều thiết bị tiêu thụ điện. Đặc biệt, từ khi Nhà máy Samsung Thái Nguyên đi vào sản xuất, số lượng công nhân làm việc tại nhà máy tăng nhanh chóng, kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt. Lượng công nhân đổ về ở tập trung tại địa bàn các phường Tân Thịnh, Đồng Quang, Thịnh Đán, Quang Trung của T.P Thái Nguyên lên tới hàng nghìn người gây nên hiện tượng quá tải điện vào giờ cao điểm.
Nhu cầu sử dụng điện của người dân còn tiếp tục tăng cao, nhất là khi mùa nắng, nóng sắp tới gần, cùng với đó là sự gia tăng của những nhà máy sản xuất với hàng nghìn lao động trong tương lai sẽ tập trung trên địa bàn Thành phố. Để bảo vệ an toàn cho đường dây truyền tải điện, Điện lực T.P Thái Nguyên cần tiến hành rà soát lại hệ thống đường dây, nhất là tại các khu vực phụ tải tăng cao để có phương án bảo vệ thích hợp. Cùng với đó, người dân cần có ý thức sử dụng điện tiết kiệm, kịp thời đăng ký thay đổi công suất khi có nhu cầu. Chập cháy điện luôn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường, nên biện pháp phòng tránh chính là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và xã hội.