Giúp hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững

16:34, 04/03/2015

Tập trung tuyên truyền đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chỉ đạo lồng ghép các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, quan tâm đến hội viên nghèo, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn… là những việc làm thiết thực mà Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghinh Tường (Võ Nhai) đã và đang triển khai để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Đến thăm gia đình chị Ma Thị Nguyệt, xóm Bản Cái, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) vào một ngày đầu Xuân. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn nhỏ nhưng rất gọn gàng, khang trang, chị Nguyệt chia sẻ: Năm 2010, chồng tôi mắc bệnh nặng rồi qua đời. Gia đình tôi vốn đã nghèo lại mất đi người đàn ông trụ cột khiến hoàn cảnh càng thêm khó khăn hơn. Lúc đó, tôi gần như suy sụp hoàn toàn, con trai mới có 10 tuổi. Nhà chỉ có 3 sào đất trồng ngô, tôi chẳng biết làm gì để duy trì cuộc sống. Cũng may lúc đó, các chị em trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ tôi cả về vật chất lẫn tinh thần khiến cho nỗi đau của tôi cũng dần nguôi ngoai. Thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho tôi vay 20 triệu đồng để làm vốn phát triển kinh tế. Không chỉ có vậy, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn KHKT về trồng trọt và chăn nuôi do Hội Phụ nữ tổ chức ngay tại địa phương. Có vốn và kiến thức làm ăn, tôi quyết định đầu tư mua 1 con trâu, trồng 6 sào chè cành và nuôi 5 con lợn với mong muốn sớm ổn định cuộc sống. Những ngày đầu khó khăn, các chị em trong Hội Phụ nữ xã có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế thường xuyên đến động viên, hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Nhờ vậy, năm 2014, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo. Hiện nay, khoản thu nhập từ 6 sào chè cành và chăn nuôi lợn, gà đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ riêng trường hợp của chị Nguyệt mà trung bình mỗi năm Hội Phụ nữ xã Nghinh Tường đã giúp đỡ cho 5-6 gia đình hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững. Riêng năm 2014, bằng những hoạt động thiết thực và hiệu quả của mình, Hội đã giúp cho 7 hộ gia đình có phụ nữ làm chủ vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 56% (năm 2010) xuống còn 28% (năm 2014).

 

Bà Hà Thị Bào, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghinh Tường cho biết: Hiện nay, Hội Phụ nữ xã có 614 hội viên, sinh hoạt tại 13 chi hội. Xác định việc “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giúp hội viên phụ nữ có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo, nhiều năm qua, Hội Phụ nữ xã đã duy trì thường xuyên các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm thiết thực.

 

Hằng năm, Hội đều tiến hành rà soát, thống kê danh sách hộ gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để theo dõi phân công từng chi hội vận động hội viên khá giả hơn tạo điều kiện giúp đỡ bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Giúp đỡ về kiến thức làm kinh tế, cây, con giống, ngày công lao động và nguồn vốn huy động trong hệ thống Hội. Phong trào huy động vốn giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ được các chi hội đẩy mạnh thông qua mô hình “Quỹ tiết kiệm”. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng và triển khai có hiệu quả ở tất cả các chi hội với tổng số tiền trên 50 triệu đồng giúp cho 50 hội viên vay mỗi năm để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các chi hội cũng tích cực triển khai phong trào giúp đỡ gia đình hội viên khó khăn bằng ngày công lao động như: Hái chè, cấy lúa, gặt lúa, thu hoạch ngô... Riêng năm 2014, đã có gần 400 hội viên tham gia giúp đỡ ngày công lao động cho gần 200 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Thông qua hoạt động này, các hội viên có điều kiện để hiểu và chia sẻ với nhau trong cuộc sống, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, qua đó, tình cảm giữa các hội viên thêm gắn kết. 

 

Không chỉ dừng lại ở đó, hằng năm, Hội Phụ nữ xã còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để cho các hội viên vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, số vốn Hội đang quản lý là hơn 3 tỷ đồng cho gần 200 lượt hội viên vay.  Để giúp các hội viên sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, ngoài việc thành lập Ban Quản lý vốn vay tại địa phương, Hội Phụ nữ xã còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn chị em mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, Hội Phụ nữ xã phối hợp mở từ 3-4 lớp tập huấn và đào tạo nghề cho khoảng 200 hội viên tham gia. Riêng năm 2014, Hội đã tổ chức được 5 lớp tập huấn KHKT về trồng trọt, chăn nuôi và 2 lớp đào tạo nghề chế biến chè, may công nghiệp cho khoảng 250 hội viên tham gia. Thông qua hoạt động vay vốn, tập huấn KHKT và đào tạo nghề, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho hội viên phụ nữ.

 

Những năm qua, thông qua công tác tuyên truyền và các hình thức giúp đỡ tạo điều kiện về vốn, kiến thức KHKT, trên địa bàn xã vùng cao Nghinh Tường đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm, như: Mô hình phát triển kinh tế rừng của gia đình chị Hoàng Thị Thơm, xóm Bản Cái; mô hình trồng cây vải thiều của gia đình chị Lâm Thị Thư, xóm Bản Chang; mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Hoàng Thị Sen, xóm Bản Nưa...

 

Có thể thấy rằng, hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ xã Nghinh Tường đã và đang đem lại những lợi ích thiết thực giúp cho các hội viên, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội...