Người bệnh bước đầu đã đón nhận

17:13, 20/03/2015

Từ tháng 7-2014, mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 đã được triển khai tại các xã: Yên Lãng, Bản Ngoại và Cù Vân. Trái với lo lắng ban đầu của dư luận rằng bệnh nhân HIV không muốn tiếp nhận điều trị ở tuyến cơ sở, đa số người bệnh đã đưa ra phản hồi tích cực về mô hình này.

Mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), bao gồm một phác đồ thuốc tối ưu hơn cho những người sống với HIV, các công cụ chẩn đoán rẻ đơn giản hơn và dịch vụ chủ yếu do cộng đồng tự thực hiện với chi phí thấp.

 

Để tìm hiểu về việc thực hiện mô hình tại huyện Đại Từ, chúng tôi đã có mặt tại Trạm Y tế xã Yên Lãng đúng vào ngày cấp thuốc ARV định kỳ hàng tháng cho bệnh nhân HIV, một phần việc nằm trong mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc chờ nhận thuốc, anh Đ.V.T nói: Trước kia, tôi phải mất 1 buổi sáng để đến Trung tâm Y tế huyện nhận thuốc ARV. Nhưng khi được chuyển về điều trị tại Trạm Y tế xã, tôi chỉ mất vài phút để nhận được thuốc. Điều này khiến tôi tiết kiệm được thời gian và sức khỏe hơn so với trước. Còn chị N.T.H thì chia sẻ: Khi chúng tôi đến nhận thuốc, các cán bộ ở Trạm đều rất niềm nở, gần gũi. Mỗi khi có chuyển biến về sức khỏe, tôi đều gọi điện cho cán bộ Trạm hoặc ra tận Trạm để được tư vấn cụ thể.

 

Cũng là bệnh nhân HIV được chuyển về điều trị tại Trạm Y tế xã Bản Ngoại, anh M.C.D cho hay: Ban đầu, tôi không muốn chuyển về điều trị tại Trạm vì lo ngại việc mình nhiễm HIV sẽ bị người quen biết được và kỳ thị. Tuy nhiên, các bác sĩ ở Trạm đã tư vấn, theo dõi sức khỏe cho tôi tại một phòng riêng, thông tin về bệnh tình cũng được giữ kín nên tôi rất yên tâm.

 

Ở Thái Nguyên, 12 xã của: T.P Thái Nguyên, Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên đã triển khai mô hình tiếp cận điều trị 2.0 từ năm 2014 với 5 phần, gồm: Phân cấp và lồng ghép dịch vụ HIV xuống y tế xã; tư vấn xét nghiệm HIV và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã/phường; chẩn đoán sớm bằng 3 loại Test nhanh; tối ưu hóa phác đồ điều trị (sử dụng thuốc TDF 1 viên/ngày); huy động sự tham gia của cộng đồng trong giới thiệu, chuyển tiếp khách hàng, giảm mất dấu, giảm chi phí. Mục tiêu là tạo sự thuận lợi trong phát hiện, điều trị HIV cho bệnh nhân; giảm tải cho y tế tuyến trên…

Y sĩ Trịnh Thị Loan, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Yên Lãng cho biết: Hiện chúng tôi đã tiếp nhận điều trị cho 17 bệnh nhân HIV từ Trung tâm Y tế huyện. Ngoài tiếp nhận điều trị bệnh nhân HIV, hiện nay, chúng tôi còn có thể chẩn đoán HIV sớm bằng các xét nghiệm nhanh. Từ khi triển khai mô hình đến nay, Trạm đã thực hiện 115 xét nghiệm nhanh cho phụ nữ mang thai và nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Không chỉ vậy, một số người nghiện ma túy hoặc người có chồng/vợ nhiễm HIV cũng tự nguyện đến xét nghiệm.

 

Thạc sỹ Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ khẳng định: Sau một thời gian triển khai, mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 đã nhận được phản hồi tích cực từ phía bệnh nhân. Hầu hết người bệnh được chuyển về điều trị HIV tại các Trạm y tế đều yên tâm với điều này. Họ cho rằng, mô hình đã giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức cũng đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Nhờ sự theo dõi, gần gũi, động viên của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nhiều người bệnh đã vượt qua được sự mặc cảm, tự ti để hòa nhập với cộng đồng. Đây là việc chúng tôi khó có thể làm được đối với tất cả những bệnh nhân điều trị HIV tại Trung tâm y tế do số lượng người bệnh quá đông. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai kế hoạch triển khai mô hình tại 2 xã Hoàng Nông và Na Mao.

 

Có thể nói, sau 8 tháng được triển khai, mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 đã nhanh chóng chứng minh được những ưu thế của mình, được người bệnh đón nhận. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này còn nhiều khó khăn. Hiện nay, đa số trạm y tế xã đều chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng để triển khai các phần việc trong mô hình. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở tuy chỉ được tham gia tập huấn ngắn hạn về xét nghiệm nhanh, tư vấn, cấp thuốc nhưng khả năng vẫn còn hạn chế và phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác. Cùng với đó, một số người dân vẫn còn chưa hiểu hết về mục đích của mô hình, một số người bệnh còn mặc cảm, tự tin. Do vậy, để đảm bảo mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 hoạt động hiệu quả và bền vững, các cấp chính quyền, tổ chức cần có sự hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất và giúp đỡ đào tạo nhân lực cho y tế tuyến cơ sở. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về HIV/AIDS đến nhân dân, nhất là những người sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.