Nhiều phần việc đòi hỏi quyết tâm cao

16:08, 10/03/2015

Mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc ngành.

Ngoài ấn tượng về kết quả ngành TN-MT tỉnh đạt được năm 2014, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới một số phần việc khá “nóng”, tiềm ẩn những thách thức không nhỏ đối với ngành trong thời gian tới.

 

Dấu ấn 2014

 

Dấu ấn đầu tiên đối với chúng tôi chính là sự chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách thủ tục hành chính của toàn ngành TN-MT tỉnh. Tất cả các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước... đều được giải quyết nhanh gọn, trong đó có ít nhất 30% số hồ sơ giải quyết vượt so với thời gian quy định. Các dự án của nhà đầu tư Samsung là một ví dụ điển hình. Theo quy định, để giải quyết xong các thủ tục từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đến cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... phải mất vài tháng, nhưng đối với các dự án của Tập đoàn Samsung đầu tư vào địa bàn, tỉnh ta chỉ giải quyết trong chưa đầy 20 ngày.

 

Với sự nỗ lực của Sở TN-MT, năm 2014, tỉnh ta đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho 125/125 giấy phép của 82 đơn vị doanh nghiệp với tổng số tiền trên 1.400 tỷ đồng và bắt đầu tiến hành các bước thu nộp ngân sách. Hiện tại, toàn tỉnh đã thu được trên 150 tỷ đồng. Với kết quả đó, tỉnh ta trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về việc hoàn thành hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

 

Năm qua cũng là năm ngành TN-MT tỉnh phối hợp đẩy mạnh việc rà soát tiến độ triển khai xây dựng của tất cả các dự án trên địa bàn, từ đó tham mưu cho tỉnh tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với hàng chục dự án chậm tiến độ. Mặt khác, ngành cũng tăng cường rà soát các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, đối chiếu với các chính sách pháp luật hiện hành để thu tiền thuê đất, giải quyết được tình trạng nhiều dự án có quyết định giao đất, thuê đất trốn nộp tiền theo quy định.

 

Trong năm, toàn ngành cũng đạt một số kết quả nổi bật khác như: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 93,3% diện tích cần cấp, được Bộ TN-MT khen thưởng; đẩy mạnh quản lý đất đai bằng công nghệ thông tin, thí điểm thành công tại huyện Định Hóa và T.P Thái Nguyên; rà soát các dự án đã triển khai để kiểm soát về môi trường; chủ động quan trắc môi trường ở các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm với trên 60 điểm quan trắc thường xuyên...

 

Và những phần việc đòi hỏi quyết tâm cao

 

Nhiệm vụ quan trọng mà ngành TN-MT tỉnh phải quyết tâm thực hiện trong năm 2015 là kiểm kê đất đai để lập bản đồ xác định rõ hiện trạng sử dụng đất, từ đó làm cơ sở báo cáo thực trạng các loại đất trên địa bàn. Thực tế cho thấy, hồ sơ, bản đồ được lập trước đây giờ đã khá lạc hậu so với thực tế hiện trạng sử dụng đất hiện nay. Nhiều trường hợp hồ sơ, giấy tờ, bản đồ địa chính thể hiện là đất lúa, nhưng hiện trạng sử dụng lại không hẳn thế, có thể là đất đang trồng cây lâu năm, đất xây nhà do người dân tự ý chuyển đổi. Và khi thực trạng đất đai được lập lại, có thể phải chấp nhận một thực tế là diện tích đất lúa hay các loại đất khác sẽ thay đổi tương đối (giảm hoặc tăng) so với số liệu báo cáo từ cơ sở. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh có những phương án, giải pháp quản lý đất đai hiệu quả hơn.

 

Năm 2015 là năm toàn Ngành phải tham gia giải quyết những tồn tại về quản lý đất đai, cụ thể là tình trạng làm nhà xuống ruộng ở các địa phương trong tỉnh. Theo tổng hợp báo cáo từ 9 huyện, thành, thị, hiện tại tỉnh ta có trên 5.000 trường hợp làm nhà xuống ruộng với thời gian vi phạm từ 5 đến 10 năm. Giải pháp xử lý là yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ số hộ vi phạm trên cơ sở đối chiếu với quy hoạch nông thôn mới, khu giãn dân, quy hoạch khu dân cư... Nếu phù hợp với các quy hoạch cho phép thì tham mưu cho tỉnh chỉ đạo chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để thu tiền cấp quyền sử dụng đất, giúp người dân ổn định cuộc sống. Những trường hợp không phù hợp sẽ yêu cầu trả lại mặt bằng đất nông nghiệp theo nguyên trạng.

 

Một nhiệm vụ khác liên quan đến cải cách cơ quan hành chính công thuộc ngành TN-MT chính là triển khai thực hiện mô hình "Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp". Theo một số tỉnh đã thực hiện thì đây chính là việc đồng nhất quản lý theo ngành dọc giữa văn phòng cấp tỉnh và văn phòng cấp huyện. Sở TN-MT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc tổ chức bộ máy, rà soát lại các văn bản pháp luật, các thủ tục hành chính liên quan. Tuy có sự thay đổi về tổ chức quản lý, Giám đốc Sở TN-MT là người ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình (thay cho lãnh đạo UBND cấp huyện) nhưng người dân vẫn chỉ thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng UBND các cấp như trước đây với thời gian thực hiện đăng ký được rút ngắn hơn. Hiệu quả là giúp hồ sơ đất đai được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu địa chính; giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc về chuyên môn cũng như những biến động đất đai... 

 

Đôi điều kiến nghị

 

Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở TN-MT, khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay chính là nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án liên quan. Mỗi lĩnh vực thuộc ngành quản lý từ đất đai, khoáng sản đến tài nguyên nước, môi trường đều có các chương trình, đề án riêng. Mỗi chương trình, đề án khi được duyệt đều kèm theo phương án bố trí nguồn vốn cũng như thời gian phân bổ trên cơ sở đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hầu hết các chương trình, đề án của ngành đều thiếu vốn, không đủ để duy trì và triển khai. Nguồn kinh phí cấp hạn hẹp nên buộc ngành phải chia nhỏ để cùng triển khai các chương trình, đề án đã được duyệt, từ đó dẫn tới tình trạng chương trình, đề án nào cũng dang dở.

 

Dù vậy, vẫn có chương trình, đề án không bố trí được nguồn kinh phí đành chấp nhận triển khai trên... giấy. Ví dụ như Đề án về quản lý khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh khi xây dựng xong không có nguồn kinh phí nên rất khó triển khai thực hiện. Do đó, ngành TN-MT mong muốn tiếp tục được tỉnh quan tâm bố trí tăng nguồn kinh phí cho công tác quản lý Nhà nước theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Những năm gần đây, ngành TN-MT đã thực hiện khá hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, góp phần gia tăng các nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Theo ước tính, mỗi năm tăng thu từ quản lý đất đai, khoáng sản cho ngân sách địa phương trên 1.000 tỷ đồng. Do vậy, rất mong được tỉnh quan tâm dành phần vốn phù hợp đầu tư trở lại đối với công tác quản lý Nhà nước về TN-MT.