Đất nước đang trong thời kỳ phát triển, với những sự đổi thay tích cực từ cơ sở vật chất cho đến ý thức con người. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu chung ấy vẫn còn nhiều điều trăn trở về lối sống, cách suy nghĩ của một bộ phận thanh niên trong thời kỳ hội nhập.
Có thể thấy rất rõ cùng với sự hội nhập và phát triển ấy, ngày nay thanh niên có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại hình vui chơi giải trí khác nhau. Phim ảnh, “chát” zalo, facebook là điều không hề xa lạ với thanh niên ngày nay. Rồi những loại xe mới, mốt quần áo, kiểu tóc đang thịnh hành… cũng được họ liên tục cập nhật để thể hiện sự sành điều của mình.
Tiếp thu, phát triển những điều mới mẻ ấy để tạo cho mình có nét đẹp riêng, làm mới bản thân thì không có gì phải bàn, nhưng điều băn khoăn, trăn trở là trong quá trình hội nhập, thanh niên lại không có tính chọn lọc, từ đó có những suy nghĩ, quan niệm phá vỡ những quy tắc, truyền thống tốt đẹp vốn có của người Việt ta.
Ngày nay, từ thành phố, cho đến nông thôn, đi đến đâu ta cũng rất dễ bắt gặp những thanh niên có kiểu đầu, tóc, quần áo thật kỳ quặc, nhuộm xanh, nhuộm đỏ trông chẳng giống ai. Nam nữ thì có lối sống buông thả và có những phát ngôn rất sốc, sẵn sàng gọi “chồng” xưng “vợ” như thể đã cưới hỏi và không ngần ngại thể hiện những cử chỉ yêu đương chốn đông người. Đã có nhiều hình ảnh xấu, đồi trụy được chính người trong cuộc quay clip, chụp ảnh tung lên mạng; chuyện học sinh, thanh niên đánh hội đồng bạn học một cách hết tính người rồi quay clip tung lên mạng đã làm cho giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn bị đảo lộn, làm nhức nhối xã hội. Tại lễ hội truyền thống, nơi đáng lẽ phải được giữ gìn sự tôn nghiêm, vui tươi, lành mạnh thì không ít thanh niên có lời lẽ thô tục, ăn mặc hở hang, thậm chí cướp lễ, cướp lộc đánh chửi nhau… Đã tạo ra hình ảnh vô cùng phản cảm, làm hoen ố văn hóa truyền thống dân tộc.
Trong khi toàn xã hội đang chung tay thực hiện nhiều phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa ở cơ sở… thì vẫn có một bộ phận thanh niên thờ ơ đứng ngoài cuộc. Ở lứa tuổi thanh niên, thay vì chí thú làm ăn thì không ít bạn trẻ lại lao vào các trò đỏ đen, rượu chè, lêu lổng và thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là vấn đề vi phạm Luật Giao thông. Họ lái xe trong tình trạng nồng nặc mùi bia, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Rồi thanh niên nghiện game, nghiện ma túy không hề ít… Có trường hợp vì nghiện ma túy đã xuống tay sát hại ngay cả người thân của mình một cách tàn bạo.
Những hình ảnh, những suy nghĩ và hành động xấu ấy xuất phát từ lối sống không lành mạnh của một bộ phận giới trẻ, nó vẫn tồn tại như những gam màu xám làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của thanh niên. Xây dựng đất nước không chỉ mới về cơ sở vật chất mà con người cũng cần đổi mới theo hướng tích cực, mạnh dạn loại bỏ những lạc hậu cản trở sự phát triển của xã hội, đồng thời gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Giới trẻ là lực lượng tiên phong đi đầu trong việc đổi mới, hội nhập nhưng phải biết chọn lọc. Để làm được điều này đòi hỏi vai trò từ chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn Thanh niên phải tiên phong, kiên quyết.
Mới đây, tôi có dịp trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái -Thái Nguyên để nghe đồng chí nói về tuổi trẻ, xin được trích làm lời kết bài viết này: “Tuổi trẻ có lợi thế, ở họ luôn cháy bỏng ước mơ, khát vọng và hoài bão. Tuổi trẻ có nghị lực, tiềm lực cả về thể chất, trí tuệ. Nếu tuổi trẻ được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo tốt thì sẽ là rường cột của đất nước, tương lai dân tộc. Hiện nay, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, lớp trẻ đóng vai trò quan trọng. Họ luôn chiếm lĩnh đỉnh cao về tri thức, khoa học kỹ thuật, đưa đất nước đi lên. Tuy nhiên, từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có không ít những tư tưởng, việc làm xấu của giới trẻ làm xã hội trăn trở cần sớm được loại bỏ… Người ta không thể làm mới lịch sử, không thể làm mới những bài hát cũ đi cùng năm tháng. Cần phải tôn trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử. Để làm được điều này, không ai khác ngoài lớp trẻ, các thế hệ tương lai của đất nước; lớp trẻ cần được giáo dục toàn diện về đạo đức, văn hóa, giác ngộ cách mạng và lý luận chính trị…”.