Nữ Giáo sư Thái Nguyên giành giải thưởng Kovalevskaia 2014

15:00, 07/03/2015

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, là cá nhân duy nhất được trao giải thưởng Kovalevskaia 2014. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Giải thưởng Kovalevskaia 2014 được trao cho một cá nhân (Giáo sư Lan) và một tập thể gồm 16 nhà khoa học là các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên của Bộ môn Mô - phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương do PGS.TS Nguyễn Thị Bình, trường ĐH Y Hà Nội, là đại diện. Đây là giải thường niên do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện. Giáo sư Kim Lan nhận được giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng thường niên vinh danh các nhà khoa học nữ, không phải do một công trình nghiên cứu cụ thể nào, mà là cho cả quá trình hoạt động của chị trong lĩnh vực thú y. Các đề tài nghiên cứu của chị đều mang tính ứng dụng cao, trong đó phải kể đến hai đề tài sau.

 

Với đề tài thứ nhất (cấp tỉnh), chị thực hiện năm 2013 - 2014. Bằng kỹ thuật sinh học phân tử và giải trình tự gen Rotat 1.2, đối chiếu với genbank, Giáo sư Lan xác định được loài tiên mao trùng gây bệnh cho gia súc ở các địa phương của tỉnh Tuyên Quang là loài Trypanosoma evansi. Sau khi nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ của bệnh trong điều kiện sinh thái và điều kiện chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang, chị xây dựng được bản đồ dịch tễ của bệnh. Đồng thời chị định danh được 3 loài côn trùng hút máu là môi giới truyền bệnh tiên mao trùng từ trâu bệnh sang trâu khỏe, xây dựng và ứng dụng phác đồ điều trị có hiệu lực cao (điều trị khỏi 100% số trâu bị bệnh). Từ đó chị nghiên cứu và đề xuất biện pháp phòng bệnh tiên mao trùng hiệu quả.

 

Sở Khoa học Công nghệ và Chi cục thú y tỉnh Tuyên Quang nghiệm thu công trình loại xuất sắc và chỉ đạo các địa phương (nhất là các địa phương có trâu nhiễm bệnh thể hiện trên bản đồ dịch tễ) áp dụng biện pháp phòng chống bệnh và phác đồ điều trị mà đề tài đã xác định. Nhờ đó, sức khỏe đàn trâu ổn định, số trâu chết trong vụ Đông - Xuân năm 2013- 2014 đã giảm rõ rệt so với các năm trước. 

 

Đề tài thứ hai là cấp Nhà nước, được thực hiện 2012 – 2014, đã nghiệm thu cấp cơ sở tháng 12/2014. Đây là công trình thuộc chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.

 

Trong 3 năm, chị Lan và các cán bộ trong nhóm nghiên cứu kết hợp với chi cục thú y 6 tỉnh (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu, Khánh Hòa và Tây Ninh) tổ chức triển khai lấy mẫu máu một số loài gia súc trên địa bàn các tỉnh, phân lập được các chủng tiên mao trùng gây bệnh ký sinh trùng đường máu ở trâu, bò, ngựa, dê. Bằng phương pháp sinh học phân tử và ứng dụng công nghệ cao, nhóm nghiên cứu xác định được các chủng phân lập được đều là loài Trypanosoma evansi. Các thành viên cũng nghiên cứu tách dòng và biểu hiện gen mã hóa kháng nguyên bề mặt của tiên mao trùng, bằng công nghệ gen đã chế tạo được kháng nguyên tái tổ hợp và sử dụng làm nguyên liệu để chế các bộ KIT CATT và KIT ELISA. Qua thử nghiệm trên diện hẹp KIT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

 

Cùng lúc đó, giáo sư Lan và các cộng sự nghiên cứu và xác định được khả năng lây nhiễm chéo giữa các chủng phân lập từ các loài gia súc khác nhau, xác định được tính mẫn cảm của Trypanosom evansi với 5 loại hóa dược trong điều kiện in vivo và in vitro. Từ đó, xây dựng 4 phác đồ điều trị bệnh cho gia súc. Kết quả thử nghiệm 4 phác đồ cho thấy, có một phác đồ đạt hiệu lực cao nhất (100%) và an toàn đối với gia súc.

 

Nhóm nghiên cứu đã đã chuyển giao 3500 KIT đã chế tạo và một phác đồ điều trị đặc hiệu bệnh tiên mao trùng cho chi cục thú y 4 tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình và Lai Châu để ứng dụng trên đàn gia súc của các tỉnh. Kết quả ứng dụng tại các tỉnh cho thấy, KIT CATT và KIT ELISA có độ nhạy và độ đặc hiệu cao (trên 97% và 98%), phác đồ điều trị có hiệu lực đạt 100% và an toàn 100% đối với gia súc. Các chi cục thú y đánh giá cao sản phẩm của đề tài, vì các bộ KIT đã và sẽ giúp các tỉnh chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh tiên mao trùng trên đàn gia súc, đồng thời phác đồ điều trị hiệu quả đã và sẽ giúp các tỉnh điều trị bệnh tiên mao trùng đạt kết quả tốt.

 

Kể về chặng đường gắn bó với nghiên cứu lĩnh vực thú y, Giáo sư Lan cho biết chị đến với nghề không phải là chủ định từ đầu. Năm 173, sau khi tốt nghiệp trung học ở Bắc Ninh, dù thừa điểm vào trường Đại học Y Hà Nội nhưng do trục trặc về giấy tờ nên chị chuyển hướng sang Đại học Nông nghiệp I dù trong lòng không mấy hài lòng.

 

"Thế nhưng một ngôi trường đẹp, các thầy cô tận tâm cùng bạn bè thân thiết giúp tôi quên đi nỗi buồn và hòa nhập rất nhanh. Tôi lao vào học say sưa những môn học mình luôn yêu thích. Từ đó tôi đã yêu nghề thú y", chị Lan chia sẻ. 

 

Năm 1979, khi tốt nghiệp Đại học, chị Lan và một số bạn bè được Bộ Đại học kết hợp với trường phân công vào Đại học Cần Thơ làm cán bộ giảng dạy. Nghe vậy, bố mẹ chị "tá hỏa", làm đơn đề nghị "cho con gái ở lại miền Bắc, ở đâu cũng được, miễn sao gần gia đình". Thế là chị Lan đến với trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái, nay là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và đã gắn bó với nơi này suốt hơn 35 năm...

 

Theo chị, một trong những khó khăn của công việc nghiên cứu của chị và đồng nghiệp là phải đến những địa phương vùng núi lấy mẫu, xem xét để các đề tài có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, chị cũng có rất nhiều thuận lợi trong công việc. Đó là sự quan tâm của các lãnh đạo và đồng nghiệp ở Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm, tạo điều kiện về thời gian và cơ sở vật chất thực hiện các đề tài. Ở các địa phương, chị cũng nhận được sự hợp tác và giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp ở các sở Khoa học công nghệ, các chi cục thú y và các trạm thú y cấp huyện. Trong gia đình, Giáo sư Lan có sự động viên, ủng hộ hết lòng của ông xã, là bạn học ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hiện là Tiến sĩ Thú y tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Giáo sư Lan hiện đã lên chức bà nội và có một cô con dâu "nối nghề".

 

Với chị, được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 2014, tôi rất vinh dự, bởi ngoài niềm vui về những cố gắng của mình đã được ghi nhận, thì niềm vui còn lớn hơn là bản thân tôi có thêm một sự đóng góp nữa cho Khoa Chăn nuôi thú y, cho Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên.

 

Nói đến thế hệ nhà khoa học trẻ, chị Lan cho rằng cần khuyến khích nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ trẻ và sinh viên. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên số lượng đề tài còn hạn chế, kinh phí cho NCKH còn hạn hẹp, thủ tục thanh quyết toán khá phức tạp. Đó là những khó khăn mà nếu khắc phục được thì các cán bộ và sinh viên sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để nghiên cứu khoa học.

 

Chia sẻ về dự định sắp tới, Giáo sư Lan cho hay sẽ triển khai các đề tài nghiên cứu biện pháp phòng chống một số bệnh nguy hiểm lây từ động vật sang người. Chị mong rằng thời gian tới, ngành chăn nuôi thú y của nước ta sẽ có những bước phát triển vững chắc, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...