Phát triển tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp vì sao khó?

14:56, 20/03/2015

Trên địa bàn T.P Thái Nguyên có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn (CĐ). Tuy Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) T.P Thái Nguyên đã có rất nhiều giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức CĐ trong các thành phần kinh tế, nhưng con số phát triển được vẫn chưa xứng với tiềm năng…

Theo thống kê của LĐLĐ T.P Thái Nguyên hiện trên địa bàn thành phố có 2.596 DN, trong đó có 1.167 DN kê khai thuế tại Chi cục thuế T.P, trong số này có 1.006 DN tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động. Số DN tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động thì có tới 823 đơn vị chưa có tổ chức CĐ. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động cũng như chủ doanh nghiệp, cũng như tranh thủ sự phối hợp ủng hộ của lãnh đạo UBND T.P Thái Nguyên, Hội DN thành phố, năm 2014 LĐLĐ T.P phát triển được 13 CĐ cơ sở tại các DN, kết nạp được 333 đoàn viên. Mặc dù LĐLĐ T.P đã rất nỗ lực trong công tác phát triển tổ chức CĐ ở các thành phần kinh tế, song con số trên quá nhỏ bé so với tình hình thực tế.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Doãn Dũng, Chủ tịch LĐLĐ T.P Thái Nguyên cho rằng: Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần. Từ chủ trương này các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài phát triển và mở rộng. Cùng với đó, số lượng công nhân lao động cũng tăng không ngừng. Riêng trong 6 tháng cuối năm 2014, Công ty Glonics đóng trên địa bàn phường Phú Xá tăng từ 2000 lao động lên 6000 lao động. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều DN đã hoạt động trên địa bàn T.P nhiều năm song vẫn chưa có tổ chức CĐ. Mặc dù chúng tôi đã có rất nhiều giải pháp như: Nắm bắt, rà soát các DN trên địa bàn. Thường xuyên làm việc với Bảo hiểm xã hội thành phố, các ban, ngành, đoàn thể, Sở Kế hoạch & Đầu tư để nắm chắc tình hình hoạt động của DN. Đồng thời phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình thực tế, sau đó phân loại, đối chiếu với các tiêu chuẩn thành lập tổ chức CĐ, lập riêng danh sách những đơn vị đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ để vận động DN sớm thành lập tổ chức CĐ. Có hai cách tiếp cận để tuyên truyền vận động thành lập tổ chức CĐ đó là trực tiếp tiếp cận với người lao động từ các tổ sản xuất và gặp gỡ trao đổi với người sử dụng lao động.

 

Trong hai cách tiếp cận trên thì gặp gỡ trực tiếp chủ doanh nghiệp hiệu quả mang lại là rất tốt. Và thực tế trong năm 2014, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, LĐLĐ T.P đã phát triển được 13 CĐ cơ sở ở các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Nguyễn Doãn Dũng thì mặc dù đã gặp gỡ tuyên truyền, vận động nhiều lần, thậm chí là nhiều năm song nhiều chủ DN vẫn né tránh, trì hoãn và không cho phép người lao động thành lập CĐ cơ sở tại doanh nghiệp. Một số chủ DN chỉ nghĩ đến việc nếu thành lập tổ chức CĐ sẽ phải nộp một khoản tiền không nhỏ trong quỹ lương của DN vào quỹ CĐ mà chưa nhìn thấy những lợi ích thiết thực khi có tổ chức CĐ trong DN. Do vậy, kết quả thành lập và phát triển tổ chức CĐ và phát triển đoàn viên trong các DN là rất khó khăn.

 

Thực tế tại Công đoàn Công ty Cổ phần Kim Sơn đóng trên địa bàn phường Tân Thịnh là 1 trong những CĐ cơ sở thành lập và đi vào hoạt động được 8 tháng nay chúng tôi càng thấm thía những khó khăn trong phát triển tổ chức CĐ thuộc các thành phần kinh tế như lãnh đạo LĐLĐ T.P Thái Nguyên chia sẻ. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Lê Xuân Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Công ty thành lập từ năm 2011, hiện có 165 công nhân lao động. Vì sao thành lập và đi vào hoạt động được 3 năm chúng tôi mới phát triển tổ chức CĐ là do thời gian đầu số lao động còn ít, khi đó DN đang tập trung vào xây dựng cơ bản mỏ, đến cuối năm 2013 khi bắt đầu khai thác, Công ty tập trung tuyển dụng công nhân, rồi lại đào tạo, dạy nghề… nên chưa thể nghĩ đến làm các việc khác. Khi sản xuất từng bước ổn định, được cán bộ lãnh đạo LĐLĐ tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy việc thành lập tổ chức CĐ có nhiều lợi ích cho DN. Và từ khi thành lập đến nay, Ban chấp hành CĐ lâm thời đã tổ chức được nhiều hoạt động tập hợp đội ngũ đoàn viên nâng cao năng suất lao động, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của DN.

 

Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi chỉ hơn 8 tháng thành lập CĐ cơ sở song đơn vị này đã tổ chức được rất nhiều hoạt động thiết thực. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đặng Thị Thanh Thùy, Chủ tịch CĐ Công ty cho biết: Thành lập tháng 6-2014, lúc đó chỉ có 113 đoàn viên, đến thời điểm này đã phát triển lên 165 đoàn viên. Được sự giúp đỡ của LĐLĐ thành phố, CĐ đã tham mưu cho lãnh đạo Công ty tổ chức được nhiều hoạt động như: Tổ chức phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo (trước đây chưa bao giờ có), từ đó đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. CĐ còn tham mưu cho người sử dụng lao động quan tâm hơn đến việc mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động, xây dựng các biển báo, nội quy an toàn trong khu sản xuất. Vào các dịp ngày lễ lớn trong năm, CĐ đều tham mưu cho lãnh đạo Công ty tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như thi cắm hoa, giao lưu thể thao... Có thể khẳng định, nhờ tổ chức CĐ công nhân lao động được nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần.

 

Tìm hiểu thực tế tại một số tổ chức CĐ mới thành lập ở các DN như: Công ty Toyota Thái Nguyên, Công ty TNHH cơ khí Thuận Phát, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải trên địa bàn T.P Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy từ khi có tổ chức CĐ đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của các DN; đoàn viên CĐ được quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Hằng năm thông qua ký thỏa ước lao động tập thể, đã góp phần giảm những tranh chấp không đáng có giữa người sử dụng lao động và lao động …

 

Mặc dù LĐLĐ T.P Thái Nguyên đã rất cố gắng trong phát triển đoàn viên, CĐCS ở các DN, song con số 42 CĐ cơ sở được thành lập hiện nay trong tổng số gần 2600 DN của thành phố là quá nhỏ bé. Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển đoàn viên, tổ chức CĐ trong nhiệm kỳ 2013-2018, LĐLĐ thành phố cần tiếp tục khảo sát thực tế phân loại các đơn vị, doanh nghiệp theo quy mô, ngành nghề.... để xây dựng kế hoạch phù hợp phát triển đoàn viên, tổ chức CĐ. Bên cạnh đó, chủ tịch CĐ các cấp phải xây dựng kế hoạch đối thoại với người lao động để họ hiểu rõ hơn về tổ chức, chức năng của tổ chức CĐ. Thông qua đối thoại, CĐ các cấp nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động để thực hiện tốt hơn vai trò trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Từ đó tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức CĐ. Với phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có công đoàn”, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.