Hội chứng truyền máu song thai là một hội chứng rất hiếm gặp. Theo thống kê, trên thế giới cứ 1 nghìn ca song thai thì có từ 3 đến 5 trường hợp mắc phải hội chứng truyền máu song thai.
Những trường hợp mắc hội chứng này nếu không được chẩn đoán, can thiệp kịp thời thì rất có nguy cơ gây tử vong cho thai nhi và ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người mẹ.
Sản phụ Ma Thị Hải, 31 tuổi ở xã Hợp Thành (Phú Lương) mang song thai nhập viện tại Bệnh viện A sáng 18-3 với triệu chứng chuyển dạ thông thường. Tuy nhiên, sau khi siêu âm chẩn đoán, các bác sĩ Bệnh viện A xác định song thai mắc hội chứng truyền máu song thai và 1 trong 2 thai nhi đã chết lưu. Kíp trực của Khoa Sản Bệnh viện A đã khẩn trương hội chẩn và tiến hành phẫu thuật lấy thai thành công, cả sản phụ và thai nhi đều an toàn. Sáng nay, cháu bé không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe và sản phụ đã dần bình phục. Trao đổi với chúng tôi, chị Hải cho biết: Lần khám thai gần đây nhất của tôi là vào cuối tháng 2-2015 và hai thai vẫn phát triển bình thường mặc dù có chênh lệch về cân nặng.
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Đỗ Hoàng Dương, người tham gia kíp mổ cho chị Hải chia sẻ: Điều nguy hiểm nhất đối với sản phụ có thai chết lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sẩy hay chuyển dạ. Qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, lúc này có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Đặc biệt nguy hiểm khi thai lưu lại quá lâu trong dạ con từ 3 đến 4 tuần trở lên có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến băng huyết nặng ở người mẹ sau sẩy hoặc đẻ. Trong trường hợp chị Hải, rất may đã chuyển dạ sớm, thai nhi chết lưu chưa gây ảnh hưởng tới thai nhi còn sống và sức khỏe người mẹ.
Được biết, trung bình mỗi năm, Bệnh viện A tiếp nhận và điều trị cho từ 1 đến 2 sản phụ có hội chứng truyền máu song thai. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hà Hải Bằng, Phó Giám đốc Bệnh viện A thì hầu hết các trường hợp sản phụ có hội chứng truyền máu song thai đều được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nên bảo toàn được tính mạng cho cả hai thai nhi và sản phụ. Trường hợp chị Hải, do không phát hiện sớm nên dẫn đến kết quả đáng tiếc là một trong hai thai đã chết lưu. Theo bác sĩ Bằng, hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong trường hợp song thai cùng trứng và có chung một bánh nhau. Do sự thông nối mạch máu giữa hai thai khiến cho máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Khi lượng máu trong cơ thể thai nhi truyền máu giảm thì kéo theo lượng máu đến thận giảm, nước tiểu ít dẫn tới túi ối thai cũng sẽ giảm. Ngược lại, ở thai nhận máu thường lượng ối nhiều hơn nên phát triển lớn hơn. Nguyên nhân này dẫn tới sự chênh lệch về lượng ối, một thai sẽ thiếu ối còn một thai đa ối; cân nặng hai thai cũng chênh lệch nhau tới trên 20% làm thai cho dễ suy dinh dưỡng và nếu không được can thiệp kịp thời có thể tử vong trong bụng mẹ. Cho đến nay, chưa có điều trị đặc hiệu với hội chứng này.
Mặc dù vậy, dựa vào nguồn gốc chính của hội chứng truyền máu song thai là do có sự thông nối mạch máu giữa hai thai, y học dựa vào cơ chế sinh bệnh để chữa trị qua một số phương pháp. Phương pháp thứ nhất là quang đông tách mạch máu, luồng thông bằng nội soi bào thai, cho ống nội soi vào buồng tử cung người mẹ để quan sát luồng thông mạch máu giữa hai thai, sau đó đốt laser đối với các mạch máu nối nhau ở phần nông của bánh nhau. Song cách điều trị này mới chỉ thực hiện được ở một số trung tâm trên thế giới và chi phí điều trị rất lớn trong khi vẫn tiềm ẩn rủi ro, tai biến như sinh non, nhiễm trùng, xuất huyết… Giải pháp khác phổ biến hơn là bác sĩ có thể cắt màng ối thông nối giữa hai thai hoặc chọc hút nước ối ở thai nhận, giảm thiểu tình trạng đa ối.
Theo bác sĩ Hà Hải Bằng, với mỗi trường hợp sản phụ song thai thông thường đều tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người mẹ và em bé. Bà mẹ mang thai song sinh bụng thường to, tử cung to nên dễ đờ tử cung sau sinh gây băng huyết và tỷ lệ sinh non cũng cao hơn. Ngoài ra sản phụ song thai có thể gặp nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường trong thai kỳ… Còn với em bé thì có nguy cơ sinh non, có thể khó sống hoặc gặp những bệnh lý nguy hiểm về sau. Trẻ cũng dễ bị dị tật bẩm sinh, thai suy dinh dưỡng, chết lưu hoặc hai thai dính nhau, hội chứng thuyên tắc ối… Riêng hội chứng truyền máu song thai là một bệnh lý tiến triển chậm và rất nguy hiểm cho thai nhi. Bệnh không liên quan hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền nên việc phòng bệnh chủ yếu vẫn là theo dõi thai thật sát trong những trường hợp phát hiện song thai cùng trứng mà chỉ có một bánh nhau.
Khi người mẹ có những dấu hiệu bụng to nhanh hay khó thở cần phải đi kiểm tra thai càng sớm càng tốt. Khi mắc truyền máu song thai, để tránh những nguy hiểm người mẹ nên chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai 34 - 36 tuần thay vì để tuổi thai đủ tháng là 40 tuần vì để càng lâu trong bụng mẹ, nguy cơ cho em bé bị mắc bệnh càng nhiều...