Năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao với mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao xuống dưới 131 người trên 100 nghìn dân và giảm tỷ lệ người chết do bệnh này xuống dưới 10 người trên 100 nghìn dân.
Góp phần thực hiện mục tiêu trên, tháng 12-2014, tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Chiến lược, đây là một trong những động thái tích cực để hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia năm 2014, Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có số lượng bệnh nhân bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có tình hình lao đa kháng và siêu kháng. Ước tính tỷ lệ người mắc lao trên toàn quốc hiện nay là 209 người/100 nghìn dân, trong đó, tỷ lệ phát hiện mới đạt 111,3 người/100 nghìn dân, đạt 53,2% tổng số người nhiễm lao. Riêng tại Thái Nguyên, theo ước tính của ngành Y tế, tổng số người mắc bệnh lao các thể là 2,3 nghìn người. Trung bình, số người mắc lao phổi mới hàng năm trên địa bàn tỉnh là 1 nghìn người. Riêng năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 900 bệnh nhân mắc lao trong đó có 405 bệnh nhân mắc lao phổi, 425 bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh và 409 bệnh nhân đã hoàn thành điều trị. Tỷ lệ chữa khỏi và hoàn thành điều trị bệnh nhân lao đạt là 90,84%.
Anh Ngô Mạnh Thống, tổ 10, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) là một trong những bệnh nhân mắc lao màng phổi được điều trị khỏi bệnh. Đầu tháng 3-2015, anh Thống phải nhập viện điều trị do bị tràn dịch màng phổi, sức khỏe yếu. Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, anh được chẩn đoán mắc lao màng phổi. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của anh Thống đã hồi phục. Chia sẻ về quá trình chữa trị bệnh với chúng tôi, anh cho biết: Bản thân tôi cũng rất bất ngờ và rất lo lăng khi biết mình mắc bệnh lao. Tôi thấy mình rất may mắn khi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và khỏi bệnh.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng. Vi khuẩn Lao lây từ người sang người qua đường không khí. Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người bình thường chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng sẽ nhiễm bệnh lao. Cũng theo thống kê, cứ 3 người thì có 1 người có lao tiềm tàng, có nghĩa là những người này đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa phát triển thành bệnh lao và cũng không gây lây lan bệnh lao sang người khác. Khoảng 10% những người đã nhiễm vi khuẩn lao có nguy cơ phát triển thành bệnh lao trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, ở những người bị suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc tiểu đường, hoặc những người nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn so với những người khác. Phần lớn các ca bệnh lao là có thể chữa khỏi khi thuốc điều trị lao được sử dụng một cách hợp lý.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Chiến lược Quốc gia phòng chống lao được Chính phủ phê duyệt không chỉ rất cụ thể về mục tiêu mà còn có đổi mới về tư duy được thể hiện ở quan điểm của Chiến lược. Theo Chiến lược, bệnh Lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Trong công tác phòng chống lao, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo bảo đảm các nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh lao, đồng thời cần huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, phòng chống bệnh lao chủ yếu dựa vào cộng đồng và được thực hiện bởi mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi từ Trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Với quan điểm như vậy, phòng chống lao không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà của cả hệ thống chính trị với nguồn lực được Nhà nước đảm bảo bằng đa nguồn bao gồm ngân sách, bảo hiểm y tế, viện trợ quốc tế và các nguồn hợp pháp khác. Phát hiện và điều trị bệnh lao ngay tại cộng đồng chứ không phải chủ yếu trong bệnh viện và cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh, mạng lưới chống lao trong được kiện toàn từ năm 1997. Theo đó, Trạm Chống lao tỉnh là cơ quan chỉ đạo chuyên môn hoạt động chống lao trong toàn tỉnh; Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh thực hiện nhiệm vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị Lao và các bệnh phổi cho nhân dân trong toàn tỉnh; các tổ chống lao tuyến huyện, thị và Trại giam Phú Sơn IV tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống lao tại địa phương, đơn vị; các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tổ chức phát hiện người nghi mắc lao, giới thiệu đi khám, xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao; tổ chức quản lý điều trị lao ngoại trú tại cộng đồng ngay sau khi bệnh nhân được tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện chẩn đoán lao. Ngoài ra, hệ thống y tế thôn bản trong toàn tỉnh cũng đã được huy động tham gia công tác chống lao trong nhiều năm qua.
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Giang, tính đến nay, Thái Nguyên là một trong 26 tỉnh thành cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến lược với nhiệm vụ chính là triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng chống Lao. Thời gian tới, Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn, các chính sách đang áp dụng tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược; huy động các cộng đồng, tổ chức đoàn thể tham gia thiết thực hỗ trợ cho công tác phòng chống lao với quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn tới 2030.