Cùng với những phần việc khác là ngăn chặn các hình thức cờ bạc trá hình, bói toán mê tín dị đoan, tình trạng mất an ninh trật tự, huyện Đồng Hỷ tập trung vào việc ngăn chặn nạn ăn xin và tình trạng lợi dụng Lễ hội để nâng giá dịch vụ, bán hàng giá cao “chặt chém” du khách đến vãn cảnh, lễ Phật tại Lễ hội chùa Hang...
Chùa Hang nằm ở trung tâm thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), di tích thắng cảnh chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn vươn cao uy nghi trên vùng đất bằng phẳng. Chùa có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động” nhưng người dân thường gọi là chùa Hang vì chùa là một hang lớn nằm trong lòng núi đá. Trong lòng hang có những nhũ đá đẹp đẽ, với những hình thù như cột trụ chống trời, bụt mọc, hổ chầu, voi phục... Vì vậy, từ xa xưa, Chùa được coi là danh thắng nổi tiếng của Thái Nguyên, Chùa cũng đã được đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1999 và được chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu xuất bản lần đầu năm 2011.
Chùa Hang thờ Phật tổ Thích ca Mâu ni, là nơi để nhân dân địa phương sinh hoạt tín ngưỡng. Chùa thường mở hội vào ngày 19 và 20 tháng Giêng hàng năm, đây là một trong 4 Lễ hội lớn nhất trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan vãn cảnh, lễ Phật. Năm nay, Lễ hội chùa Hang diễn ra tại quần thể Di tích lịch sử - Văn hóa, công trình phục vụ Lễ hội chùa Hang với 2 phần chính là phần Lễ và phần Hội. Để đảm bảo Lễ hội diễn ra trong không khí trang trọng, tôn nghiêm, an toàn tiết kiệm, khơi dậy truyền thống tốt đẹp và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương, huyện Đồng Hỷ đã có những phương án chu đáo trong tổ chức Lễ hội. Huyện đã thành lập Ban Tổ chức Lễ hội để chuẩn bị công tác khai hội năm 2015. Trong đó, Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, không để người dân bán hàng không đúng nơi quy định, bán hàng rong trên các tuyến đường vào khu vực tổ chức Lễ hội. Cùng với đó, Ban Tổ chức cũng đã bố trí địa điểm phục vụ công tác sơ, cấp cứu về y tế phục vụ người dân tham gia Lễ hội...
Nói về vấn đề tổ chức Lễ hội, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Năm nay, huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hình thức cờ bạc trá hình, bói toán, mê tín dị đoan, mất an ninh trật tự như những năm trước huyện đã thực hiện tốt. Kiên quyết không để hiện tượng đánh bạc, cò mồi, bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong Lễ hội. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung vào việc cương quyết ngăn chặn nạn ăn xin và ngăn chặn tình trạng các điểm kinh doanh lợi dụng lễ hội để nâng giá dịch vụ, bán hàng giá cao, “chặt chém” khách thập phương, nhằm bảo vệ du khách tốt nhất. Trong đó, để ngăn chặn được nạn ăn xin quấy rầy du khách, Ban tổ chức Lễ hội đã thành lập tiểu ban An ninh trật tự, giao thông, chuyên tuần tra, kiểm soát trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội. Các thành viên của Tiểu ban có trách nhiệm đưa những người ăn xin xuất hiện tại Lễ hội hoặc gần Lễ hội về trụ sở thị trấn Chùa Hang ở ngay gần đó, tổ chức tuyên truyền về quy định của Lễ hội, nếu là người địa phương sẽ mời gia đình lên nhận về, đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thực sự thì sẽ thực hiện hỗ trợ trực tiếp về đồ ăn, tiền bạc trong 2 ngày diễn ra Lễ hội, đồng thời, phối hợp với Phòng Lao động, Thương Binh xã hội xem xét, đề nghị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nếu họ thuộc diện này.
Về việc ngăn chặn các chủ địa điểm kinh doanh lợi dụng Lễ hội để nâng giá dịch vụ, bán hàng giá cao “chặt chém” khách thập phương, huyện cũng có những giải pháp triệt để. Trong đó, tiểu ban quản lý gồm công an, quản lý thị trường và cơ quan thuế tổ chức tuyên truyền cho trên 300 chủ địa điểm kinh doanh trong Lễ hội những việc được làm và không được làm. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra về chất lượng hàng hóa, yêu cầu các chủ kinh doanh niêm yết giá cụ thể, đồng thời xây dựng chế tài xử phạt công khai nhằm bảo vệ du khách đến lễ Phật, du xuân được an toàn.