Vào mỗi đầu xuân mới, khi trong đất liền, cả nước nô nức tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ở Trường Sa, bộ đội cũng tranh thủ mùa mưa, tích cực ươm trồng những mầm cây mới.
Tết trồng cây năm 2015 mới bắt đầu, nhiều đảo đã ra quân trồng thêm hàng trăm cây xanh.Hưởng ứng Tết trồng cây xuân Ất Mùi. Ngay từ sáng mùng 5 Tết, quân dân cùng các lực lượng trên đảo Trường Sa đã ra quân trồng thêm 100 cây. Thượng tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy Trưởng đảo, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Mỗi xuân mới, đảo đều tổ chức Tết trồng cây, kế hoạch năm 2015 toàn đảo sẽ trồng thêm 500 cây xanh các loại. Đến nay, bên cạnh một số loại cây bản địa như: bàng vuông, tra, phong ba… đảo đã trồng được nhiều loài cây đa dụng đưa từ đất liền ra, vừa để lấy bóng mát vừa sử dụng làm rau xanh, lấy trái như tre, dừa, sa kê, chùm ngây… Bước đầu các loại cây này chịu đựng, chống chọi tốt với khí hậu khắc nghiệt của đảo và đang phát triển.
Hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có diện tích nhỏ, trên bề mặt chủ yếu là cát trắng và san hô, chịu khí hậu khắc nghiệt, nóng, ẩm, hơi nước mặn bốc lên ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội, độ bền của vũ khí trang bị và các công trình xây dựng trên đảo. Nhằm cải tạo cảnh quan môi trường, cán bộ chiến sĩ đã tích cực trồng cây xanh tạo bóng mát và tăng cường công tác phòng thủ chiến đấu trên các đảo.
Giữa đại dương mênh mông, đảo Sơn Ca nổi lên xanh ngắt với màu xanh của cây cối. Trồng cây xây dựng cảnh quan được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đảo, nhờ vậy hiện nay thảm thực vật tại đảo khá phong phú với hàng chục loài cây bản địa thường gặp ở Trường Sa như: phong ba, bão táp, bàng vuông, tra, xoài biển, nay đã có thêm một số loại cây mang từ đất liền ra phát triển tốt.
Chỉ huy đảo Sơn Ca cho hay, từ chủ trương xanh hóa đảo trong mấy năm gần đây, kế hoạch mỗi năm toàn đảo trồng 50 cây tra, 50 cây bàng vuông và 50 cây dừa vào dịp Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ. Nằm trên nền san hô ngập nước, chất đất trên đảo chỉ là cát, san hô vụn, không có đất màu nên việc trồng cây gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc đưa đất màu từ đất liền ra đảo, các cán bộ, chiến sĩ còn phải tích cực lao động cải tạo đất, làm màu mỡ cho đất bằng cách đào hố, ủ lá cây, tìm hớt những lớp cát lâu ngày đã ngọt hóa đổ vào hố tạo độ mục xốp. Để tránh cho cây trồng bị gió biển và hơi nước mặn làm táp lá, úng rễ, ngay khi trồng, bộ đội phải cẩn thận làm lồng bạt che chắn cho cây.
Đảo không có nguồn nước ngọt nào khác ngoài nước mưa nên mỗi cây xanh trồng mới là cả một sự quyết tâm của cán bộ chiến sỹ. Mỗi đồng chí được giao nhiệm vụ cụ thể, từ khi chiết cành, ươm hạt, sau khi trồng xong, chịu trách nhiệm chăm sóc từ 1 đến 2 cây đảm bảo phát triển tốt cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền sẽ bàn giao cho đồng chí mới.
Cũng như tại đảo Sơn Ca, bộ đội ở các đảo đều có thói quen tiết kiệm nước sinh hoạt để chăm tưới cây. Có thể khẳng định rằng mỗi cây xanh trên đảo đều gắn liền với kỷ niệm đời quân ngũ và thấm đậm tình cảm, công sức của bộ đội.
Nhờ đó, cả ngàn cây xanh được trồng mỗi dịp Xuân mới tại các đảo đang phát triển xanh tốt, không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che chắn gió bão, ngụy trang phương tiện và lực lượng trên đảo tránh bị kẻ địch nhòm ngó, góp phần trực tiếp vào công tác phòng thủ chiến đấu của quân, dân ta tại Trường Sa.