Tháo gỡ khó khăn trong kiểm tra chất lượng hàng hóa

07:57, 14/03/2015

Trong hơn mười năm hoạt động công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) của Cục Quản lý CLSPHH (Tổng cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có được kết quả nhất định trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, sản phẩm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra sản phẩm hàng hóa còn nhiều hạn chế, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự phối hợp tích cực từ phía doanh nghiệp.

 

Hoạt động kiểm tra của Cục Quản lý CLSPHH trong những năm qua đã có những kết quả đáng khích lệ khi đã tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Tuy nhiên, công tác còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Ðó là việc số lượng cơ sở, mặt hàng, lô hàng được kiểm tra hằng năm còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa nhóm hai (hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn do Bộ KH và CN quản lý) cần phải kiểm tra. Theo kết quả tổng điều tra năm 2012 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 341.601 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 40 nghìn doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa nhóm hai (chỉ riêng mặt hàng xăng dầu có khoảng 13 nghìn cửa hàng). Cơ quan nhà nước, người tiêu dùng vẫn phải tin vào việc công bố, sự trung thực và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi đăng ký, chứng nhận hợp quy thì sản phẩm bảo đảm phù hợp quy chuẩn nhưng hàng hóa đưa ra lưu thông lại không đạt quy chuẩn.

 

Ðáng chú ý, công tác xử lý vi phạm còn hạn chế, bất cập về thẩm quyền, hình thức và mức độ xử lý. Các vi phạm về CLSPHH do cơ quan kiểm tra phát hiện được thì chỉ có thẩm quyền tạm dừng sản xuất, lưu thông, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó chuyển hồ sơ cho các cơ quan khác có thẩm quyền để xử phạt. Tuy nhiên, sau khi chuyển hồ sơ vi phạm cho thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Quản lý thị trường thì Cục Quản lý CLSPHH không nhận được thông tin có xử lý hay không và xử lý như thế nào, do đó không bảo đảm được tính nghiêm minh của công tác quản lý nhà nước về chất lượng. Riêng năm 2014, Cục Quản lý CLSPHH đã chuyển hồ sơ các vụ vi phạm chất lượng mũ bảo hiểm, xăng dầu... tới Thanh tra Sở KH và CN Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lào Cai, Thanh Hóa... để xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay mới chỉ nhận được thông tin xử lý ba trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm, an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Ðáng chú ý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm tra CLSPHH còn nhiều hạn chế. Mặc dù hằng năm Cục Quản lý CLSPHH đã được cấp một số kinh phí và đầu tư một số trang thiết bị kiểm tra, nhưng vẫn thiếu một số thiết bị đặc thù của công việc như: thiết bị kiểm tra sàng lọc, phát hiện nhanh dấu hiệu vi phạm về chất lượng hàng hóa trên thị trường (các trang thiết bị kiểm tra nhanh độc tố trong đồ chơi trẻ em, hàng tiêu dùng...). Hơn nữa, chế độ báo cáo từ các cơ quan kiểm tra địa phương không kịp thời, không theo biểu mẫu hướng dẫn, gây khó khăn cho việc tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả kiểm tra chất lượng trên phạm vi cả nước. Công tác này là hoạt động nghiệp vụ đơn giản nhưng rất quan trọng trong việc cập nhật thông tin, số liệu để xử lý và tổng hợp. Sở dĩ còn nhiều tồn tại nói trên là do nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý CLSPHH có nơi, có lúc còn hạn chế, dẫn đến đầu tư cho công tác này chưa thỏa đáng. Ngoài ra, năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa nhạy bén trong việc nắm bắt và xử lý thông tin về CLSPHH trên thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm về CLSPHH chưa đồng bộ. Ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng sản phẩm khi chứng nhận đạt chất lượng nhưng khi đưa ra thị trường lại không đạt chất lượng, trong khi đó, cơ quan kiểm tra không có đủ nhân lực và kinh phí để thường xuyên kiểm tra trong sản xuất cũng như khi lưu thông. Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng có nhu cầu không lành mạnh, mua những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm về giá rẻ, do vậy đã tạo điều kiện cho việc "cung" từ sản xuất, nhập khẩu đưa ra thị trường.

 

Ðể công tác kiểm tra CLSPHH phát huy đúng vai trò, đạt hiệu quả hơn nữa công tác quản lý nhà nước về chất lượng cần nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự phối hợp và tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Rà soát các văn bản và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng kiểm soát viên chất lượng, bổ sung hành vi và mức phạt cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật CLSPHH. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra CLSPHH lưu thông trên thị trường, hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng công tác kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất và tổng kiểm tra theo các chuyên đề hàng hóa. Tuyên truyền cảnh báo về các hàng hóa có chất lượng vi phạm quy chuẩn, độc hại, để người tiêu dùng cảnh giác và tẩy chay với hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan kiểm tra thuộc ngành KH và CN, bổ sung và tăng cường nhân lực có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu, đầu tư các trang thiết bị thử nghiệm nhanh cho các cơ quan kiểm tra từ trung ương đến địa phương...