Một hướng dẫn mới vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 4/3 khuyến cáo rằng người lớn và trẻ em cần giảm lượng đường tiêu thụ hàng ngày xuống 10% tổng lượng năng lượng dung nạp vào cơ thể mình.
Trong thông báo được đưa ra, WHO chỉ rõ việc tiếp tục giảm xuống dưới 5%, hoặc khoảng 25 gram (6 muỗng cà phê) đường mỗi ngày, sẽ mang lại thêm nhiều lợi ích về sức khỏe.
WHO đề cập đến "các loại đường tự do" trong đó bao gồm glucose, fructose và sacaroza được bổ sung vào thức ăn, thức uống, và các loại đường tự nhiên trong mật ong, xi-rô và nước ép trái cây. Hướng dẫn của WHO không đề cập đến các loại đường trong trái cây tươi và rau quả, và các loại đường tự nhiên có trong sữa, vì không có bằng chứng về tác dụng phụ được báo cáo trong việc tiêu thụ các loại đường này.
"Chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc duy trì tiêu dùng các loại “đường tự do" giảm xuống 10% tổng lượng năng lượng làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và sâu răng" – Giám đốc Văn phòng Dinh dưỡng vì sức khỏe và phát triển của WHO, Tiến sĩ Francesco Branca cho biết.
Phần lớn các loại đường hiện được sử dụng là "ẩn" trong các thực phẩm chế biến thông thường không được coi là đồ ngọt. Ví dụ, một muỗng canh nước sốt cà chua có chứa khoảng 4 gram (khoảng 1 thìa cà phê) “đường tự do”.
Tiêu dùng các loại “đường tự do” thay đổi theo độ tuổi, địa điểm và quốc gia. Tại châu Âu, tiêu thụ ở người lớn là từ 7 đến 8% tổng lượng năng lượng ở các nước như Hungary và Na Uy; từ 16 đến 17% ở các nước như Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Tiêu dùng đường cao hơn nhiều ở trẻ em, từ khoảng 12% ở các nước như Đan Mạch, Slovenia và Thụy Điển cho đến gần 25% ở Bồ Đào Nha. Ngoài ra, còn có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Trong các cộng đồng nông thôn ở Nam Phi, tiêu dùng đường là 7,5% tổng lượng năng lượng, trong khi ở các dân số đô thị, tỷ lệ đó là 10,3%.
Trước tình trạng này, WHO khuyến cáo nên giảm lượng đường tiêu thụ xuống dưới 10% tổng năng lượng dung nạp.
Theo cơ quan này, các dữ liệu khoa học cho thấy những người lớn tiêu thụ ít đường có trọng lượng thấp hơn, và tăng lượng đường trong chế độ ăn uống có liên quan với sự gia tăng trọng lượng. Hơn nữa, nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng các trẻ em tiêu thụ đồ uống có đường nhiều nhất có nhiều khả năng bị thừa cân hoặc béo phì hơn so với các trẻ em ít tiêu dùng loại đồ uống này./.