Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, mùa khô hạn năm nay diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khốc liệt và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất so với từ trước đến nay.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 50.000 ha cây trồng bị khô hạn; trong đó, có gần 40.000 ha cà phê, 9.319 ha lúa nước vụ đông xuân, diện tích khô cháy còn lại là ngô lai, rau màu khác, ước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Riêng đối với diện tích cà phê bị khô hạn trên, ngoài hàng trăm ha mới trồng không có nước tưới bị khô cháy, còn lại phần lớn diện tích cà phê đã đưa vào kinh doanh chỉ mới tưới nước được một đợt một nên hiện nay đều bị rụng lá, khô cành, niên vụ này không những không có năng xuất mà nhiều niên vụ sau các nông hộ phải đầu tư lớn mới có khả năng phục hồi lại các vườn cà phê. Diện tích cà phê, lúa nước vụ đông xuân bị khô hạn tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Búk, Cư M’gar, Krông Pắk, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 công trình thủy lợi và hàng trăm dòng suối lớn, nhỏ cùng hàng ngàn giếng đào đều bị khô cạn nước, mực nước ngầm cũng tụt sâu từ 5 đến 8 mét. Ngay tại huyện Ea H’Leo hiện nay đã có 20/46 công trình thủy lợi, thủy điện đã khô cạn nước. Ngay cả nhiều hồ, đập có sức chứa lớn nhiều năm nay chưa bao giờ cạn kiệt như hồ Ea Drú, Ea Khal, hồ Cây sung (huyện Ea H’Leo)…nay cũng đã trơ đáy…
Đồng bào các dân tộc ở các địa phương đã tăng cường nạo vét kênh mương, thậm chí, có nơi đồng bào còn lấy tấm bạt ni lon lót trên một số tuyến kênh mương tránh thất thoát nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, sử dụng bơm chuyền để lấy nước từ các dòng sông Krông Ana, Ea H’Leo, hồ Lắk để cứu sống các vườn cà phê, lúa nước vụ đông xuân. Huyện Krông Pắk còn hỗ trợ kinh phí kịp thời để đồng bào đắp các đập dâng tạm trên sông Krông Búk hạ để lấy nước chống hạn cho các cánh đồng lúa đông xuân ở các địa bàn Ea Uy, Vụ Bổn.
Đồng bào cũng đầu tư thêm kinh phí nạo vét giếng, khoan thêm giếng mới, túc trực ngày đêm trên nương rẫy lấy nước tưới cà phê. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng đã bỏ mặc các vườn cà phê, lúa nước chết cháy vì không còn khả năng tài chính cũng như nguồn nước để cứu cho cây trồng, gây thiệt hại lớn cho đồng bào.
Không những thế , trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay cũng có trên 15.056 hộ gia đình ở các địa phương Ea Súp, Krông Bông, Krông Ana, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pắk thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.