Để không rơi vào tình trạng “dễ vay, khó trả”

15:06, 09/04/2015

Hai năm trở lại đây, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn nên mức độ vay vốn ngân hàng hạn chế; hoặc món nợ cũ chưa trả được nên không còn tài sản thế chấp để vay món nợ mới.

Tình hình trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng, kéo theo là tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp. Để tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước (trước đây cho vay tiêu dùng rất hạn chế). 

 

Một giám đốc ngân hàng cổ phần tâm sự với tôi: “Sở dĩ chúng tôi hướng tới nhóm khách hàng là cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là những khách hàng công tác lâu năm, có chức danh trong một cơ quan, đơn vị để cho vay tiêu dùng, vì chúng tôi nghĩ, họ luôn coi trọng danh dự nên họ không dễ gì trây ỳ trả nợ để làm mất uy tín và công việc. Thu nhập của họ cũng không thấp, lại ổn định, nhu cầu chi tiêu cho mua sắm như: mua ô tô, xe máy, học hành cho con cái, xây dựng nhà cửa rất lớn. Đây cũng là mảng khách hàng tiềm năng cần khai thác”. Để đáp ứng nhu cầu, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất hấp dẫn. Nhiều khách hàng thoạt nghe tưởng là rất rẻ, ví dụ: Vay mua ô tô lãi suất ban đầu chỉ 8,99%/năm, được vay trong thời gian 6 năm. Nhưng thực chất, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất thấp đó trong 6 tháng, còn lãi suất những tháng tiếp theo sẽ được tính theo lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ). Đồng thời, một số ngân hàng còn quảng cáo bằng tờ rơi dán ở các tuyến đường và nơi công cộng với những lời đường mật: Vay tiền đến 70 triệu đồng, lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần chứng minh thư nhân dân, thậm chí chỉ cần hóa đơn tiền điện hàng tháng!

 

Không chỉ  ngân hàng trong tỉnh mời cho vay tiền mà một số ngân hàng và công ty tài chính ngoại tỉnh cũng tiếp thị tới khách hàng trên địa bàn tỉnh ta. Một người bạn than vãn với tôi: “Không hiểu làm sao có ngân hàng ở tận Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh lại biết cả số điện thoại của mình và liên tục mời gọi cho vay vốn đến cả trăm triệu đồng với lãi suất ưu đãi, nhiều lúc gây ức chế quá”. 

 

Do nhu cầu tiêu dùng trước mắt, thấy ngân hàng cho vay dễ, lãi suất lại ưu đãi, nhiều người không nghiên cứu kỹ các điều khoản vay vốn nên đã chấp nhận vay một cách nhanh chóng không cần tính toán. Đến khi trả nợ mới thấy lãi suất còn cao hơn lãi suất thông thường, vì lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian ban đầu, sau đó sẽ điều chỉnh theo quy định của ngân hàng. Nhiều người mong muốn thoát khỏi “gánh nợ” để trả trước hạn đã bị phạt vì vi phạm hợp đồng với số tiền không nhỏ (mức phạt lên đến 3-4% nhân với tổng số tiền vay còn lại). Vì vậy, trước khi vay vốn, khách hàng cần thận trọng nghiên cứu kỹ hợp đồng về thời gian trả nợ, thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, cách điều chỉnh lãi suất khi hết thời gian hưởng ưu đãi; khả năng trả nợ…để tránh rơi vào tình trạng “dễ vay, khó trả”.