Để quyền lợi của người lao động được bảo đảm

17:10, 06/04/2015

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo mới đây, tổng số tiền nợ BHXH trên cả nước tính đến cuối năm 2014 là trên 7.270 tỉ đồng. Tình trạng nợ BHXH diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng mỗi năm.

Đáng chú ý, trong số các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), có đến trên 8.000 đơn vị (với số lao động lên đến hơn 30.000 người) đã ngừng hoạt động. Trong năm 2014 có 50 cơ quan BHXH địa phương tiến hành khởi kiện trên 5.830 doanh nghiệp (DN), đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT là trên 2.440 tỉ đồng, thu hồi được 621 tỉ đồng.

 

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có trên 300.000 DN hoạt động, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý được khoảng 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH (nghĩa là có đến 50% số DN trốn đóng BHXH). Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều loại hình DN, từ các DN Nhà nước (tập trung trong các ngành giao thông - vận tải, xây dựng, các tập đoàn đang cơ cấu lại) đến các đơn vị ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ BHXH tăng nhanh (đã được BHXH Việt Nam chỉ ra) là do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất, kinh doanh đình đốn, sức mua trên thị trường giảm… khiến nhiều DN phá sản, phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, không có khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân quan trọng nữa là do quy định về mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vì vậy không ít DN cố tình nợ tiền BHXH nhằm chiếm dụng. Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện những vi phạm về BHXH, nhưng lại không được quyền thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra của cơ quan BHXH không cao.

 

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật BHXH mới (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) có quy định cơ quan BHXH được trao quyền thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc đóng BHXH, qua đó góp phần buộc các DN phải nâng cao tính tuân thủ trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH. Cũng liên quan đến vấn đề này, đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, BHXH Việt Nam đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động (trong trường hợp DN trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm). Đối với các DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động mà nợ đọng BHXH kéo dài, đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ về phương án xử lý tiền nợ để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách và bảo đảm quyền lợi cho người lao động... Đặc biệt, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện nay, các ngành, cơ quan chức năng đang kiến nghị xem xét hình sự hóa đối với hành vi trốn đóng, chiếm dụng Quỹ BHXH gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là hình sự hóa hay không mà là phải bảo đảm tính công bằng, khách quan trong quá trình xử lý những hành vi vi phạm. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, kiên quyết xử lý, theo đuổi các vấn đề sau khi thanh tra, kiểm tra, giám sát để buộc DN phải điều chỉnh hành vi và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này...

 

Hy vọng rằng, khi những giải pháp nêu trên được triển khai thực hiện hiệu quả, triệt để sẽ hạn chế đến mức tối đa tình trạng nợ đọng hoặc trốn đóng BHXH của các DN. Qua đó quyền lợi của đông đảo người lao động sẽ được bảo đảm.