Phú Lương là một trong những huyện có nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Những năm trước đây, ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại các làng nghề chưa cao.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2012, tỉnh ta có quyết định bổ sung thêm nội dung các hộ dân phải có cam kết bảo vệ môi trường mới đủ điều kiện xét công nhận làng nghề truyền thống thì nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phú Lương nói riêng.
Huyện Phú Lương hiện có 27 làng nghề truyền thống (tăng 9 làng nghề so với năm 2012). Các làng nghề truyền thống đã góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn. Theo tính toán, hiện nay, các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Lương đang tạo việc làm cho khoảng 4.600 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm từ các làng nghề ước đạt 280 tỷ đồng. Dù vậy nhưng trên thực tế việc bảo vệ môi trường ở các làng nghề lâu nay vẫn chưa được người dân quan tâm. Nhiều hộ dân vẫn “vô tư” xả rác thải, nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, từ khi UBND tỉnh có quy định mỗi hộ dân phải ký cam kết bảo vệ môi trường trong việc xét công nhận làng nghề truyền thống thì ý thức của người dân đã thay đổi.
Ông Phạm Bình Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Việc buộc các hộ dân phải có cam kết bảo vệ môi trường đã gắn trách nhiệm của họ từ việc thu gom đến cách xử lý rác thải. Qua gần 3 năm kể từ khi có quy định này, ý thức bảo vệ môi trường của người dân không chỉ ở các làng nghề mà các hộ dân trên toàn huyện đã được nâng lên, cụ thể như: Người dân đã chuyển đổi chất đốt từ than sang dùng củi tránh ô nhiễm từ khí đốt; Xây lắp các bể thu gom rác thải ở các cánh đồng để tập kết rác; Xây dựng ống thoát khói trong quá trình sao chè… Hiện nay, ngoài việc hoàn thiện hồ sơ công nhận làng nghề cho những xóm mới, huyện đang tiến hành bổ sung Đề án bảo vệ môi trường cho những làng nghề đã được công nhận trước đây. Đến nay, trong 27 làng nghề truyền thống đã có 15 làng nghề hoàn thiện được Đề án bảo vệ môi trường.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, xóm 9, xã Cổ Lũng là một trong những làng nghề có số lượng rác thải ra môi trường nhiều nhất. Theo số liệu thống kê, lượng rác phát sinh từ những hộ kinh doanh tại đây khoảng 8 tấn mỗi tuần, chủ yếu là lá bánh, rác thải sinh hoạt… Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng Ban làng nghề cho biết: Năm 2009, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Tại thời điểm đó, ý thức của người dân trong việc thu gom và xử lý rác thải chưa cao. Nhiều hộ dân vẫn ném rác thải ra vệ đường hoặc khu vực các ao, hồ trong xóm. Tuy nhiên, khi có quy định cam kết bảo vệ môi trường, việc xử lý rác thải được người dân chú trọng hơn trước. Hiện nay, ngoài việc thu gom rác vào nơi quy định để xe chở rác chuyển đi thì các hộ dân còn chuyển đổi nguyên liệu đốt nhằm không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân họ và người dân xung quanh. Làng nghề có 48 hội viên thì đã có khoảng gần 70% số hộ chuyển từ nấu bánh chưng bằng than sang dùng bếp củi, bếp điện.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Sỹ (cửa hàng bánh chưng Sỹ Oanh) là hộ dân đầu tiên trong làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thay đổi chất đốt từ than sang dùng bếp củi và bếp điện. Ông cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi nấu khoảng 3 nồi bánh chưng (mỗi nồi 40kg gạo). Nếu dùng than nấu sẽ tốn khoảng 100.000 đồng/nồi. Còn khi dùng bếp củi hoặc bếp điện, tính ra chi phí tiền điện, tiền củi sẽ tốn hơn từ 25.000-30.000đồng/nồi bánh so với nấu bếp than. Tuy nhiên, khí đốt từ bếp điện, bếp củi sẽ an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên gia đình tôi quyết định không nấu bánh bằng bếp than nữa.
Vô Tranh là địa phương có nhiều làng nghề chè trên địa bàn huyện Phú Lương, với 6 làng nghề chè truyền thống đã được công nhận. Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân, cho biết: Qua công tác tuyên truyền, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Việc ký cam kết bảo vệ môi trường trong xét công nhận làng nghề đã gắn trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Hiện nay, tất cả các vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được người dân thu gom và tập kết vào nơi quy định. Tuy nhiên, để xử lý lượng rác thải này, tránh ảnh hưởng đến môi trường trong khi đốt, hiện nay chính quyền địa phương đang đề nghị xe thu gom rác thải của huyện thu gom tại các xóm về bãi rác của huyện để xử lý.
Như vậy, việc cam kết bảo vệ môi trường ở các làng nghề đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân góp phần đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất cũng như người tiêu dùng.