Người anh hùng không giữ danh hiệu cao quý cho riêng mình

09:03, 29/04/2015

Được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" vì có thành tích trong chiến đấu chống Mỹ, nhưng người cựu chiến binh ấy đã không cất giữ cho riêng mình, mà trao lại tấm bằng vinh dự cho Bảo tàng Quân sự với tâm niệm: "Đây là thành tích chung của đồng đội". Đó là câu chuyện cảm phục về Đại tá Đỗ Văn Mến, một người anh hùng bình dị quê ở thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng (Văn Lâm - Hưng Yên).

* Kiên cường trong lửa đạn

 

Chúng tôi tình cờ gặp Đại tá Đỗ Văn Mến trong một ngày cuối tháng Tư khi ông về quê nhà hội ngộ cùng bạn bè cũ, để ôn lại kỷ niệm về một thời chinh chiến năm xưa. Trong ký ức ông, những năm tháng của thời trai trẻ gắn với đời binh nghiệp là những trận chiến ác liệt, luôn đối mặt với cái chết. Từ những trận đánh giáp lá cà khốc liệt với quân thù trên chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, rồi tiến về giải phóng thị xã và Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đến chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975. Ngày ấy ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, đơn vị duy nhất được giao trọng trách trực tiếp chốt giữ Thành cổ Quảng Trị qua 81 ngày đêm lịch sử hào hùng, đầy hy sinh và bất tử của “mùa hè đỏ lửa”. Đặc biệt, trong một đêm trăng dưới chân Thành cổ đầy bom đạn, cả Tiểu đoàn của ông Mến đã cùng viết lời thề quyết tử: "K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”.

 

Vừa chốt giữ trong Thành cổ, vừa thu hút hỏa lực địch để chủ lực của ta ở vòng ngoài tiêu diệt, Tiểu đoàn K3 Tam Đảo do Tiểu đoàn trưởng Mến chỉ huy đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu hàng trăm trận khốc liệt, đập tan âm mưu chiếm giữ Thành cổ của kẻ thù. Trong mưa bom, bão đạn suốt 81 ngày đêm, các chiến sĩ K3 - Tam Đảo dù bị thương vẫn không rời trận địa, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, người này ngã xuống, người khác đứng lên thay, quyết giữ vững lời thề danh dự "K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn". Khi quân số của tiểu đoàn thương vong gần hết chỉ còn hơn 10 người thì K3 được lệnh rời khỏi Thành, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm đã đi vào lịch sử.

 

Theo lời đồng đội cũ, nơi nào nguy hiểm, khó khăn nhất là có mặt anh Mến. Người tiểu đoàn trưởng dáng vóc nhỏ nhắn nhưng tinh thần dũng cảm, mưu trí và quyết đoán luôn làm vững lòng các chiến sĩ. Có thời gian, trời mưa nhiều, hầm hào chìm sâu trong nước ngập đến tận cổ, nhưng anh Mến vẫn bì bõm lội khắp khu vực thành để động viên, chỉ huy bộ đội. Chiếc quần duy nhất của anh bị dây thép gai cào nát một ống, phải cắt bỏ cho khỏi vướng. Trong bom đạn khốc liệt, luôn cận kề với cái chết, những cứ mỗi lần nhìn thấy tiểu đoàn trưởng Mến xuất hiện với cái quần một ống là anh em chiến sĩ lại cười, quên hết cả hiểm nguy. Anh em còn đùa rằng, tiểu đoàn trưởng “cao số”, luôn có mặt ở những chỗ ác liệt mà chỉ bị thương mấy lần. Ngay cả khi mặt sạm đen khói đạn, chỉ với cái quần đùi và khẩu AK báng gấp bên mình, anh vẫn mò mẫm đến từng chốt chiến đấu, động viên đồng đội: “Chúng ta hãy biến đau thương thành hành động, phải kiên cường chiến đấu tiêu diệt địch, giữ vững Thành cổ Quảng Trị, chúng ta còn 1 người thì Thành cổ Quảng Trị còn.”

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ngày 23/9/1973 Tiểu đoàn K3 Tam Đảo được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Trong chiến dịch Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị khác, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

* Không giữ thành tích cho riêng mình

 

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Đỗ Văn Mến tiếp tục công tác trong Quân đội, được giao nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 328, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 323, Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan Đặc khu Quảng Ninh. Năm 1993, ông về nghỉ hưu tại phường Giếng Đáy (Thành phố Hạ Long) với quân hàm Đại tá. Năm 2009, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

 

Với danh hiệu cao quý do Nhà nước phong tặng cho cá nhân mình, ông Mến cho rằng đó là niềm vinh dự chung của cả tập thể, là sự hy sinh lớn lao của biết bao đồng đội đã ngã xuống, những người trở về cũng đã để lại một phần xương máu ngoài chiến trường. Vì vậy ông đã trao lại huy hiệu và tấm bằng danh dự "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" của mình cho Bảo tàng Quân sự. Ông tâm sự: "Danh hiệu của cá nhân tôi là do công lao của đồng đội mà có. Tôi chỉ thay mặt anh em, những người có thể trở về và những người còn mãi nằm lại Thành cổ nhận lấy mà thôi". Bao năm qua, ông vẫn luôn nhớ về đồng đội, người còn người mất với một tình cảm sâu nặng. Dù trên người vẫn còn đầy thương tích, khi trời trở gió những vết thương lại tái phát, sức khỏe đã yếu song ông vẫn cho rằng mình sống được đến hôm nay là quá may mắn so với biết bao đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.

 

Làng quê Thái Lạc những ngày cuối tháng Tư như rộn rã hơn khi Đại tá Đỗ Văn Mến trở về. Ông cho biết: Sau hơn 40 năm xa quê, giờ được chính quyền địa phương quan tâm cấp cho một mảnh đất nên ông đã quyết định xây một căn nhà nhỏ, để vui sống tuổi già tại quê nhà cùng với bà con họ hàng, làng xóm. Cả làng quê ai cũng chia vui với "ngày trở về" của ông Mến sau hơn 40 năm đi xa, bởi nơi đây vẫn tự hào có một người con anh hùng vào sinh ra tử lập nhiều chiến công lớn mà vẫn bình dị, gần gũi giữa đời thường như chính cái tên của ông./.