Năm 2015, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, địa bàn huyện Đại Từ nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi những đợt lốc xoáy, mưa lớn gây úng, lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Trước tình hình đó, huyện Đại Từ đang tích cực chuẩn bị các vật tư, thiết bị và chủ động lên phương án sẵn sàng phòng chống lụt bão.
Thời điểm này, đơn vị quản lý các hồ đập trên địa bàn huyện Đại Từ đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, chuẩn bị phương án phòng chống thiên tai. Ông Đào Ngọc Dũng, Trạm trưởng Trạm Khai thác Thủy lợi huyện cho biết: Ban quản lý các hồ đập do Trạm quản lý đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai cụ thể, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa để phục vụ sản xuất. Tìm hiểu thực tế tại hồ Gò Miếu ở xã Ký Phú, chúng tôi thấy các vật tư phòng chống lụt bão đã được sửa chữa, chuẩn bị kỹ càng. Trong kho vật tư đã có trên 4.500 chiếc bao tải dứa, 45 cuốc bàn, 38 xẻng, 10 cái xà beng, 10 áo phao và nhiều vật dụng thiết yếu khác. Bên cạnh đó, Cụm quản lý khai thác thuỷ lợi hồ Gò Miếu cũng đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) để phối hợp với các xã: Ký Phú, Vạn Thọ, Cát Nê, Văn Yên. Trong đó, mỗi xã thành lập một Ban Chỉ huy PCLB & TKCN gồm 10 đến 12 người do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Xã đội trưởng làm Phó ban Thường trực, trưởng các ban ngành đoàn thể là uỷ viên. Đồng thời, kiện toàn lực lượng xung kích, dự bị gồm 650 người là dân quân, thanh niên của xã Ký Phú và các xã lân cận. Bà Phạm Thị Hải Yến, Cụm trưởng Cụm quản lý khai thác hồ Gò Miếu cho biết: Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án phòng chống, ứng cứu hiệu quả nhất để chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Bên cạnh việc sẵn sàng ứng phó thiên tai tại các hồ đập, các xã, thị trấn, đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Từ cũng đã kiện toàn ban chỉ huy PCLB & TKCN, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực theo phương châm "4 tại chỗ". Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện đã chỉ đạo sát sao các xã, thị trấn, lực lượng liên quan lên phương án, chuẩn bị vật lực để kịp thời di dời nhân dân, tài sản tới khu vực an toàn đối với từng khu vực: Vùng bán ngập ven hồ Núi Cốc; vùng thường hay xảy ra lũ quét, lũ ống dưới chân núi Hồng, núi Chúa và Tam Đảo; vùng khai thác khoáng sản. Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB & TKCN xã An Khánh cho biết: Xã An Khánh có địa hình đặc thù nằm sát bãi thải của Công ty Than Khánh Hoà nên thường chịu ảnh hưởng do ngập úng, sạt lở đất. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ trước mùa mưa bão, UBND xã đã chú trọng các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng và xây dựng phương án cụ thể để di dời người dân đến nơi an toàn. Hiện nay, ngoài vật tư cố định, xã đã chuẩn bị thêm 50 chiếc áo phao, các xóm tự trang bị thêm 200m dây thừng và một số phao cứu sinh để kịp thời di chuyển người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, để chủ động nhân lực, vật lực hỗ trợ trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện đã chuẩn bị lực lượng cứu hộ, đội cơ động sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán người và tài sản khi cần thiết. Các kho dự trữ cũng đã chuẩn bị đầy đủ xuồng máy, thuyền tôn, thuyền nan, phao cứu sinh, áo phao, các trang thiết bị vật chất phục vụ tìm kiếm cứu nạn và thuốc chữa bệnh, lương thực cứu trợ, giống cây trồng. Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện Đại Từ cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phương án phòng chống thiên tai ở các đơn vị, xã, thị trấn; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Trong tình huống có thiên tai, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN huyện sẽ bố trí trực 24/24 giờ, thường xuyên thông tin, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, UBND các xã, thị trấn kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại và động viên thăm hỏi bà con nhân dân.